Biển đảo Việt Nam

Trường Sa - Mang đến…mang về

Đức Diệu 03/03/2023 13:58

Đến với Trường Sa, đến với vùng biển, vùng trời nơi đầu tổ quốc. Cái cảm nhận mỗi lần chạm bàn chân trần lên mặt đất ở từng hòn đảo như một giá trị thiêng liêng khó tả.

Giữa biển trời mênh mông, mỗi hạt cát, vỏ sò, rạng san hô trên từng hòn đảo, điểm đảo trở thành thiêng liêng, quý giá. Bởi vậy, bất cứ ai khi đến với Trường Sa, cũng mong muốn mang đến với cán bộ, chiến sỹ nơi đây những gì có thể; và khi chia tay, mang về đất liền một cái gì đó, dù là hạt cát thiêng liêng để làm kỷ niệm.

Còn nhớ, cuối năm 2018, trong cơn áp thấp nhiệt đới ở vùng biển Trường Sa, chuyến tàu của chúng tôi phải mất 2 ngày thả neo giữa biển chờ hết đợt sóng to mới thả xuồng vào thăm cán bộ, chiến sỹ Đảo Trường Sa Đông.

Cánh phóng viên thì nóng lòng để được đặt chân lên hòn đảo được ví như “đảo ngọc” giữa biển trời Việt Nam để ghi những thước phim, chụp những bức ảnh cho kịch bản sáng tác của mình đã soạn sẵn. Lực lượng hậu cần, cán bộ kiểm ngư thì sốt sắng với những phần quà, thực phẩm từ đất liền sớm được đưa vào trao tận tay cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Cuối cùng, cũng chọn được thời điểm lặng gió, đoàn chúng tôi hạ xuồng vào Đảo Trường Sa Đông.

Cảnh tượng cảm động đầu tiên mà tôi nhận được, mặc dù lúc đó trời đang mưa khá to nhưng các cán bộ, chiến sỹ đã đội mưa chờ sẵn ở cầu cảng của đảo để đón đoàn theo nghi thức quân đội. Bước chân từ xuồng lên đảo, thấy chúng tôi tay xách, nách mang nào là máy móc, túi đựng đồ nghề, nhiều chiến sỹ cởi phăng áo mưa đang mặc trên mình để che cho cánh phóng viên.

dieu.jpg
Đến Trường Sa là mang đến tình cảm của công dân từ đất liền. Ảnh: H.H

Sau khi lên đảo, những cái ôm thắm thiết, những cái bắt tay thật ấm dưới trời mưa bão như xóa tan khoảng cách từ đất liền với quân dân biển đảo.

Những gì chúng tôi mang đến cho cán bộ, chiến sỹ Trường Sa, ngoài những món quà chuyển tay từ đất liền, là những câu chuyện, tình cảm và sự trân trọng, biết ơn các cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ nơi biên cương hải đảo cho cuộc sống bình yên ở đất liền. Những tờ báo, cuốn sách, bức thư được trao chính là những món quà quý giá đối với cán bộ, chiến sỹ lính đảo.

Cuộc sống nơi đảo xa giờ không đến nỗi thiếu thốn, khổ cực như nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, những gì chúng tôi mang đến cho cán bộ, chiến sỹ nơi đây thấy vẫn còn “thiêu thiếu, vơi vơi”.

Tuy lưu lại đảo vỏn vẹn 1 ngày, một đêm, song những tình cảm chân thật, không khoảng cách đã khiến chúng tôi cảm thấy như người một nhà.

Buổi sáng trước lúc chờ thời điểm thích hợp để lên tàu chia tay cán bộ, chiến sỹ Đảo Trường Sa Đông, anh em trong đoàn, người tranh thủ xin cây bàng vuông, người tranh thủ dạo biển nhặt vỏ sò, san hô về làm kỷ niệm.

Ngoài bàng vuông, san hô và vỏ sò đảo Đảo Trường Sa Đông là những đặc sản từ biển vì vẻ đẹp tự nhiên, thuần của thiên nhiên. Nhiều người, vì thấy quá đẹp, đã nhặt nguyên cả bao lớn vỏ ốc, vỏ sò, san hô để mang về làm kỷ niệm.

Đang rảo bước cùng một chiến sỹ trên bờ biển đảo, tôi thấy một cụm san hô rất đẹp liền cúi người nhặt lên ý định mang về gọi là có chút kỷ niệm mình đã đặt chân tới một trong những mảnh đất địa đầu tổ quốc. Khi thấy tôi ngắm nghía, mân mê cụm san hô, chiến sỹ trẻ đi cùng tâm sự. Nhiều đoàn ra đây đều thích vỏ ốc, vỏ sò, san hô ở đảo này. Không ít người đã mang về đất liền làm kỷ niệm. Bọn em sợ, cứ đà này, đảo sẽ “hết dần san hô, vỏ sò mất”. Câu nói nửa đùa, nửa thật khiến tôi chột dạ. Làm sao mà hết san hô, vỏ sò được chứ, lấy hết cái này, biển mẹ lại bồi đắp cái kia trong thời gian tới. Như hiểu được thắc mắc của tôi, chiến sỹ trẻ giải thích. Không phải chúng em nhỏ nhen, nhưng vỏ sò, san hô là một phần quan trọng để ngày ngày bồi đắp, mở mang hòn đảo. Nói đến đây, tôi như hiểu ra và nhẹ nhàng đặt cụm san hô xuống đảo.

Thời điểm đó, còn nhớ Báo Tuổi trẻ đang phát động phong trào góp đá xây Trường Sa. Nếu chưa ra tới Trường Sa, có lẽ nhiều người cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của phong trào này. Một số đảo, điểm đảo, một ít nước ngọt, một ít đất trồng rau hay chí ít bãi bồi do san hô, vỏ sò, vỏ ốc tạo nên cũng là quý giá. Một tấc đất, bãi đá nơi Trường Sa là không thể đếm đong bằng trị giá tiền bạc. Chúng ta không mang được gì nhiều ra cho đảo, chí ít cũng đừng mang đi những cái quý giá của tự nhiên ban tặng mà đối với mình, chỉ đơn giản là vật kỷ niệm.

Mang đến Trường Sa, là mang đến tình cảm, sự tri ân, biết ơn của con dân từ đất liền đối với cán bộ, chiến sỹ nơi biên cương hải đảo. Mang về từ Trường Sa, là mang về những nỗi nhớ đau đáu cảnh chiến sỹ ôm súng nghiêm trang đứng gác dưới bầu trời tổ quốc giữa bốn bề biển cả mênh mông. Mang đến Trường Sa, là mang đến sự đồng lòng, quyết tâm từ hậu phương đối với những người lính nơi biên cương hải đảo. Mang về từ Trường Sa là mang về những tình cảm, những câu chuyện đẹp của cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm sinh sống, canh giữ biên cương, nơi cách xa đất liền hàng trăm hải lý. Đừng lấy đi từ đảo dù chỉ là những hạt cát nhỏ, vì chính những hạt cát, rạng san hô, vỏ ốc, vỏ sò sẽ ngày càng bồi thêm cho sức sống của những hòn đảo.

Đức Diệu