Biển đảo Việt Nam

Biên giới, biển đảo - Nguồn cảm hứng sáng tác vô tận

Hà An 03/03/2023 13:51

Cùng với dòng chảy của văn học nghệ thuật yêu nước chống ngoại xâm từ những năm tháng của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mảng văn học, nghệ thuật, âm nhạc về đề tài biên giới, biển đảo cũng đã và đang được các nhà văn, nhà thơ xem là một mạch nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác, tạo nên những tác phẩm văn thơ thấm đẫm lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Hơn 45 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, 30/4/1975 đến nay, trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam ở miền Nam và biên giới phía Bắc ở miền Bắc cùng với những cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo trên biển Đông, chủ đề biên giới, biển đảo luôn là mảng đề tài cuốn hút nhiều thế hệ nhà văn dấn thân không chỉ với trách nhiệm, mà còn từ những rung cảm mạnh mẽ trước hiện thực sống động và nhu cầu cấp thiết của đất nước.

bna_truongsa.jpg
Ảnh minh họa

Nếu ở vào những năm kháng chiến chống Mỹ, đề tài về những người lính, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã làm nên một mảng văn học Trường Sơn còn vang vọng đến ngày nay thì từ năm 1975 đến nay, đề tài về những người lính canh giữ biên giới, vùng biển và hải đảo cũng đã làm nên một mảng văn học hùng tráng về giữ vững phên dậu của Tổ quốc trên đất liền và trên biển cả.

Bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển là một thành công rất tiêu biểu của mảng thơ biển đảo. Tác phẩm này (cùng 11 tác phẩm khác) vào năm 2020 đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc về đề tài biên giới, biển đảo. Đây là những tác phẩm đã xuất bản, được công chúng đón nhận. Để ra đời được Tổ quốc nhìn từ biển, Nguyễn Việt Chiến đã sống và viết với tất cả tấm lòng yêu nước lớn lao và bao trùm lên tất cả là một dự cảm mà ông đã nhìn thấy những hiểm họa rình rập từ phía biển Đông của đất nước.

Hầu như những nhà thơ danh tiếng của đất nước đều có những bài thơ hay, những câu thơ hay về biên giới và biển đảo. Bài thơ Đêm trên sân ga của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với những câu thơ đặc tả về một vùng biên đầy bất ổn với những người dân đi trốn rét, đặc biệt hai câu thơ: Biên giới giờ này đạn giặc xé rừng đêm/Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt có thể xem là một sự xuất thần của nhà nghệ sĩ khi sáng tạo nghệ thuật.

Những câu thơ hào sảng của Chế Lan Viên viết từ năm 1964 cho đến nay đọc lên vẫn khiến bao lớp người xao xuyến:

Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt,

Như mẹ cha ta, như vợ như chồng

Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…

(Chế Lan Viên – Sao chiến thắng)

Không chỉ văn học, trong âm nhạc, những bài hát như "Không xa đâu Trường Sa ơi", "Hoa sim biên giới" hay "Thư gửi cho nhau" đều làm người nghe “sởn da gà”. Tác giả, nhạc sỹ như tìm được cảm xúc cao độ để diễn tả lời ca, phối nhạc.

Nếu em lên biên giới,

Em sẽ gặp bạt ngàn hoa –

- hoa sim, giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong…

Như một lời thủ thỉ với người thương. "Hoa sim biên giới" rất được những người lính biên cương yêu thích. Cũng giống như "Nơi đảo xa", "Chút thư tình của người lính biển" là hai ca khúc mà bất cứ chàng lính hải quân nào cũng biết tới và có thể nghêu ngao.

Đó không phải ngẫu nhiên, mà đề tài về biên giới, hải đảo đang là nguồn cảm hứng vô tận cho văn, nghệ sỹ. Bởi mỗi khi đặt chân lên mảnh đất vùng biên tổ quốc, đã đánh thức cao độ cảm xúc, sự thiêng liêng, lòng tự tôn dân tộc đối với những người nghệ sỹ.

Hà An