Quốc phòng - An ninh

Nơi ấy máu các anh đã đổ

Thanh Hằng 03/03/2023 08:57

Hơn 40 năm trước, trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nhiều lớp cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đắk Nông nói chung, Đồn Biên phòng Bu Prăng nói riêng đã anh dũng chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ vững từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

Máu đào nơi đường biên

Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3), CBCS Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng lại có dịp cùng nhau ôn lại những trang sử vẻ vang của đơn vị, để tưởng nhớ những CBCS của đơn vị đã hi sinh trong sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia.
Tháng 5/1974, Trung ương Cục quyết định tái thành lập tỉnh Quảng Đức. Sau đó 1 tháng, ba đồn biên giới là Bu Prăng, Trương Tấn Bửu và Đắk Song cũng được thành lập, với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh.

Năm 1975, theo chủ trương chung, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Quảng Đức được hợp nhất thành tỉnh Đắk Lắk, các đồn biên phòng được sắp xếp lại, trong đó có Đồn Bu Prăng. Ngày 21/2/1976, Ban Chỉ huy Công an Nhân dân vũ trang (CANDVT) tỉnh quyết định dời Đồn Bu Prăng ra gần đường biên giới.

Thời điểm này, phía lực lượng vũ trang Campuchia (do tập đoàn Pol Pot - Iêng xa ri cầm đầu) tăng cường các hoạt động quân sự sát biên giới. Địch thường xuyên tổ chức cắm lán trại gần khu vực đồn Trương Tấn Bửu, cử người xâm nhập qua biên giới dò la, trinh sát bố phòng của ta. Riêng 3 ngày cuối tháng 2/1976, lực lượng vũ trang Campuchia tập kích vào Đồn Bu Prăng, cướp đi lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị, quân trang, quân dụng của đồn.

hinh-1(1).jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng chăm lo đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Trước tình hình căng thẳng tại khu vực biên giới giữa 2 quốc gia, tại hội nghị được tổ chức tại Ratanakiri/Campuchia năm 1976, đại diện 2 đoàn Việt Nam và Campuchia đã thống nhất tôn trọng đường biên giới hiện tại. Các bên bình tĩnh, kiềm chế tránh xung đột, bên nào đóng quân ở đâu thì giữ nguyên vị trí ở đó.

Tuy nhiên, trên thực tế phía Campuchia không thực hiện nội dung đề ra. Tập đoàn Pol Pot - Iêng xa ri liên tục viết thư vu cáo, tung tin sai sự thật đồng thời có các hành động vũ trang leo thang. Điển hình như ngày 14/1/1977, lợi dụng đêm tối, lực lượng vũ trang Khmer đỏ tổ chức hai tiểu đoàn tập kích vào Đồn Trương Tấn Bửu, Đồn Bu Prăng và khu vực chốt Đại đội 2 CANDVT. Cuộc tập kích gây cho ta thiệt hại lớn về người, vũ khí trang bị, quân trang quân dụng và doanh trại.

hinh-2(1).jpg
Vị trí Đồn Bu Prăng năm xưa, nay cũng được cải tạo, chăm sóc hàng ngày.

Từ giữa năm 1977, bọn Khmer đỏ hoạt động ngày càng trắng trợn trên biên giới. Ngày 1/6/1977, chúng phục kích xe chở đoàn cán bộ của Việt Nam tăng cường cho Đồn Trương Tấn Bửu và Đồn Bu Prăng, làm 6 CBCS (CBCS) hi sinh, 11 đồng chí bị thương. Hàng ngày chúng dùng máy bay OV10 trinh sát, kết hợp lực lượng bộ binh cài cắm chông, mìn dọc các trục đường tuần tra của ta, dùng hỏa lực, pháo kích vào đồn, chốt, gây cho ta nhiều khó khăn và thiệt hại.
Mốc son lịch sử thể hiện tinh thần quả cảm của các chiến sĩ lúc bấy giờ là trận đánh kéo dài 47 ngày đêm (từ ngày 29/3 đến 16/5/1978) với bọn Pol Pot.

Nhằm thực hiện âm mưu đen tối chiếm đồn và mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược biên giới, đêm 29/3/1978 với một lực lượng lớn xe tăng, pháo binh yểm trợ, quân địch đã tổ chức nhiều hướng, nhiều mũi liều lĩnh xông lên, tấn công áp sát trận địa của ta. Sau 47 ngày đêm kiên cường, anh dũng chiến đấu, các chiến sĩ Đồn Công an Nhân dân vũ trang BuPrăng đã đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của địch, tiêu diệt tại chỗ 58 tên, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch khác.

Vào ngày 16/5, trước sự ngoan cường của quân ta, bọn Pol Pot phải rút quân về bên kia biên giới. Trong trận đánh này bốn CBCS của Đồn Công an Nhân dân vũ trang Bu Prăng hi sinh.

Cuộc chiến đấu thắng lợi bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới nói trên thể hiện sự đoàn kết nhất trí, kề vai sát cánh, ý chí quyết tâm chiến đấu và sẵn sàng hi sinh của CBCS Đồn Công an Nhân dân vũ trang Bu Prăng.

hinh-3(1).jpg
Khu vực bể chứa nước, phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong thời gian chống lại bọn Khmer đỏ.

Ghi nhận những thành tích của đơn vị, ngày 6/11/1978, Đồn Công an Nhân dân vũ trang Bu Prăng đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Bên cạnh đó, hàng chục CBCS đã được tặng huân chương, huy chương và bằng khen của các cấp.

Phát truyền thống của đơn vị

Phát truyền thống của đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, CBCS Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng không ngừng phấn đấu, trưởng thành về mọi mặt, lập được nhiều thành tích trên trận tuyến bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới

hinh-4(1).jpg
Phát huy truyền thống, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng không ngừng phấn đấu, trưởng thành về mọi mặt.

Đại úy Phạm Đức Quyền, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng cho biết, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tăng cường củng cố và giữ vững trận địa tư tưởng. Bên cạnh đó, đơn vị còn triển khai có hiệu quả nhiều chương trình xây dựng cơ sở, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, qua đó thắt chặt thêm tình cảm quân dân nơi biên giới.

“Thế hệ CBCS của đơn vị luôn phát huy tinh thần xung kích, gương mẫu, tiếp nối truyền thống quý báu của Bộ đội Biên phòng và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu Prăng. Thông qua những việc làm, hoạt động cụ thể, bà con Nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, địa phương, BĐBP, chung sức bảo vệ chủ quyền của lực lượng biên phòng. Cũng từ niềm tin này, thời gian qua Nhân dân xã Quảng Trực còn phối hợp với đơn vị trong công tác xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị”, Đại úy Phạm Đức Quyền nói.

Hơn 40 năm sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tại khu vực vị trí Đồn Bu Prăng cũ, cơ quan chức năng đã tìm kiếm, quy tập được 16 hài cốt liệt sĩ hi sinh trong quá trình chống lại Khmer đỏ. Để thuận lợi cho quá trình thăm viếng, tìm hiểu lịch sử, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Bu Prăng thường xuyên cắt cử CBCS tới khu vực vị trí đồn năm xưa và đài tưởng niệm các liệt sĩ dọn dẹp, chăm lo hương khói.

Đại úy Phạm Phúc Huy, Trạm trưởng Trạm cửa khẩu Bu Prăng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Bu Prăng chia sẻ: “Tiếp nối truyền thống anh hùng mà thế hệ cha anh đi trước đã dựng nên, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trong thời gian tới, cùng với việc tìm kiếm, quy tập liệt sĩ, thì chúng tôi cũng hy vọng, nơi đây sẽ trở thành một địa chỉ đỏ để CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu Bu Prăng và các tầng lớp Nhân dân tới học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị”.

Thanh Hằng