Đức công bố “chính sách đối ngoại nữ quyền,” thúc đẩy bình đẳng giới
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 13:46, 02/03/2023
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 2/3, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock công bố các hướng dẫn chính sách đối ngoại nữ quyền mới nhằm đảm bảo tất cả mọi người "có quyền đại diện và tiếp cận các nguồn lực như nhau."
Theo Ngoại trưởng Baerbock, chính sách này tập trung vào việc xem xét và hỗ trợ nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong các quyết định đối ngoại, với mục tiêu là xóa bỏ nạn phân biệt đối xử, từ đó thúc đẩy xã hội ổn định hơn.
Bà nhấn mạnh chính sách đối ngoại nữ quyền xuyên suốt tất cả hành động chính sách đối ngoại của Đức, từ viện trợ nhân đạo đến các biện pháp ổn định, sứ mệnh hòa bình cũng như chính sách giáo dục và văn hóa đối ngoại.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức nêu rõ xã hội không thể công bằng hơn, nếu không có sự tham gia của phụ nữ, vốn được coi là một nửa thế giới.
Theo bản hướng dẫn chính sách đối ngoại nữ quyền, dài 88 trang, trong thời gian tới, Đức sẽ dành hơn 90% quỹ dự án mới cho các dự án toàn cầu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Hãng tin DPA cho biết con số này rơi vào khoảng 64% trong năm 2021.
Bản hướng dẫn cũng nêu rõ Đức sẽ vận động để đảm bảo các mối lo ngại của phụ nữ được chú trọng hơn trên thế giới, theo đó phụ nữ có tiếng nói hơn và các quỹ phát triển của đất nước được phân bổ nhiều hơn cho các dự án giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới.
Chính phủ Đức cũng sẽ vận động để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình hòa bình, bởi điều này đã được chứng minh là giúp tăng cơ hội đạt được nền hòa bình lâu dài.
Bản hướng dẫn cũng bao gồm cả mục tiêu đạt được bình đẳng giới trong và ngoài nước, đặc biệt tại văn phòng đối ngoại của Đức, nơi hiện chỉ 26% số đại sứ là nữ giới.
Chính sách đối ngoại nữ quyền do Chính phủ Thụy Điển khởi xướng năm 2014. Đến nay, khoảng hơn 30 quốc gia, trong đó có Chile, Mexico, Tây Ban Nha, Pháp, đã cam kết thực hiện chính sách này.
Động thái trên của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, được cho là đem đến động lực mới cho phong trào thúc đẩy chính sách đối ngoại nữ quyền.
Theo định nghĩa chung nhất, chính sách đối ngoại nữ quyền coi bình đẳng giới là yếu tố xuyên suốt của mọi nội dung phân tích và hành động liên quan đến chính sách đối ngoại của một quốc gia.
Chính sách này giúp phụ nữ và trẻ em gái được bảo vệ khỏi bạo lực và có quyền được tham gia các quyết định chính trị, cũng như được cung cấp đầy đủ nguồn lực để đạt được những mục tiêu này./.