Kinh tế

Đắk Nông đang loay hoay với dược liệu tự nhiên 

Lê Phước 02/03/2023 10:21

Đắk Nông sở hữu nhiều tiềm năng từ cây dược liệu tự nhiên, nhưng việc khai thác, phát huy giá trị còn khó khăn.

Vào mùa khô, những cánh rừng khộp ở Đắk Mil trở nên xơ xác hơn. Xen giữa những lớp lá khô rụng là lớp thảm thực vật với nhiều loài dược liệu quý hiếm.

Một nhân viên quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành (Công ty Đại Thành) bới vạt cỏ sang hai bên để tìm cây dược liệu.

Anh tìm được một thân thảo dài ngoằng. Nhìn kỹ hơn, đó là thân của một cây sâm bố chính. Thân cây sâm này được đánh giá có nhiều tác dụng nhất đối với sức khỏe con người.

a1-sam-bo-chinh-1-.jpg
Một đám sâm bố chính dưới tán rừng khộp Đắk Mil

Theo nhân viên quản lý bảo vệ rừng, sâm bố chính phân bố rải rác ở những cánh rừng khộp Đắk Mil. Đây là loại dược liệu tự nhiên, hiện đã được Công ty Đại Thành nghiên cứu, sử dụng. Loại cây này cũng đang được Công ty có hướng nhân rộng.

Sâm bố chính chỉ là một trong số 11 loại dược liệu quý mà Công ty Đại Thành tự trồng hoặc khai thác ngoài tự nhiên để đưa vào làm thành phần trong rượu dược liệu.

Rượu dược liệu của Công ty có tên là “Rượu sâm Đắk Mil”, gồm 16 thành phần cây dược liệu khác nhau. Loại rượu này được Công ty sản xuất, đưa ra thị trường những năm qua.

Hiện “Rượu sâm Đắk Mil” đang được bán ở thị trường Đắk Mil và nội tỉnh, với giá 263.000 đồng/hộp (1 chai 500ml). Dự kiến, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, Công ty Đại Thành sẽ cung ứng loại rượu này ra thị trường với giá khoảng 400.000 đồng/hộp.

a3-ruou-sam-1-.jpg
Sản phẩm rượu dược liệu của Công ty Đại Thành

Theo ông Phan Bá Nhã, Chủ tịch đồng thời là Giám đốc Công ty Đại Thành, tiềm năng của dược liệu thuộc lâm phần của đơn vị là rất lớn.

Trong số 275 loài dược liệu đã điều tra, có rất nhiều loại dược liệu tự nhiên trong rừng. Một số loại thuốc quý, nằm trong danh mục cần được bảo tồn.

Công ty Đại Thành xác định, có 25 loài dược liệu, trong đó nổi bật là sâm xuyên đá, gối hạt, sâm tiên mao, huyết đằng… rất thích nghi với điều kiện tự nhiên của Đắk Mil. Đây là những loài có trữ lượng lớn, có tiềm năng phát triển thị trường để đưa vào khai thác.

Nhưng hiện tại, ngoài sản phẩm rượu, việc phát triển dược liệu ở Công ty Đại Thành gần như không có thêm điểm sáng nào. Trước đây, Công ty ký hợp tác chiến lược với 1 đơn vị chuyên về kinh doanh dược liệu. Nhưng do khó khăn của doanh nghiệp, các nội dung trong hợp tác cơ bản chưa triển khai được gì.

Trong năm 2023, Công ty Đại Thành có kế hoạch trồng 3ha sâm các loại trong rừng vào đầu mùa mưa. Dự kiến trong tháng 4/2023, kế hoạch sẽ được triển khai theo Đề án phát triển du lịch sinh thái.

“Công ty xác định phải tự chủ động trong việc phát triển giống, vùng nguyên liệu và đầu ra của các sản phẩm dược liệu. Đây là việc làm dài hơi nên chắc chắn sẽ phải chờ thêm thời gian”, ông Nhã chia sẻ.

a2-sam-xuyen-da-1-.jpg
Tiềm năng lớn nhưng dược liệu rừng ở Đắk Nông đang dừng lại ở bước khảo sát, thử nghiệm

Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil (Cư Jút), việc phát triển tiềm năng dược liệu cơ bản không có bước tiến nào. Mặc dù trước đó, đã có một số doanh nghiệp đến khảo sát, đặt vấn đề phát triển dược liệu tại địa phương. Công ty đã tổ chức các đợt phối hợp để điều tra, khảo sát ban đầu.

Ông Châu Thanh Tâm, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH TMV Lâm nghiệp Đắk Wil chia sẻ: Tiềm năng kinh tế từ phát triển dược liệu tại lâm phần là rất đáng kể. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn đang loay hoay chờ đối tác. Hy vọng sẽ sớm có đơn vị đến “đánh thức” tiềm năng dược liệu, mang lại thêm nguồn thu cho doanh nghiệp, giúp chúng tôi có thêm động lực giữ rừng”, ông Tâm cho hay.

Lê Phước