Chính phủ Nga nêu điều kiện tham gia trở lại New START
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 12:19, 28/02/2023
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars RS-24 của Nga tham gia duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nga chưa thể nối lại việc tham gia Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) chừng nào phương Tây chưa quan tâm đến những mối quan ngại về an ninh của Moskva.
Tuyên bố trên được người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đưa ra khi trả lời phỏng vấn của báo Izvestia.
Theo ông Peskov, sau khi Nga quyết định tạm ngừng tham gia New START, phương Tây vẫn không quan tâm đến các mối quan ngại của nước này. Theo ông, các nước phương Tây cần thay đổi cách tiếp cận đối với mối quan ngại an ninh của Nga để Moskva có thể tham gia trở lại New START.
Khi được hỏi về nguyên nhân Moskva tạm ngừng tham gia New START, ông Peskov nêu rõ tình hình đối với Nga hiện đã thay đổi đáng kể so với thời điểm hiệp ước này được thông qua. Theo ông, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên thực tế đã trở thành một bên tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine khi liên minh quân sự này đang cung cấp vũ khí cho Kiev.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã và vẫn sẵn sàng đối thoại, nhất là đàm phán hòa bình.
Trước đó, trong Thông điệp Liên bang ngày 21/2 vừa qua, Tổng thống Putin tuyên bố Nga đình chỉ việc tham gia New START, nhưng không rút khỏi hiệp ước này. Một ngày sau đó, Quốc hội Nga cũng đã thông qua dự luật tạm ngừng tham gia New START.
Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov khi đó cũng nhấn mạnh Nga sẵn sàng tham gia trở lại New START ngay khi nhận thấy phương Tây có thiện chí nhìn nhận các mối quan ngại của Moskva.
New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước được ký kết năm 2010 nhằm hạn chế kho vũ khí của hai nước ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân, giảm gần 30% so với mức đặt ra hồi năm 2002.
Tháng 1/2021, Tổng thống Putin đã nhất trí gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026. Mỗi năm Moskva và Washington được thực hiện tối đa 20 lần thanh sát lẫn nhau trong khuôn khổ New START.
Trước đó, Mỹ cũng đã rút khỏi một loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí ký với Nga, trong đó có Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Bầu trời mở./.