Đất và người Đắk Nông

Những nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Thanh Hằng 28/02/2023 10:09

Trước thực trạng âm nhạc dân tộc có nguy cơ lạc lõng giữa cuộc sống đương đại, không ít nghệ nhân người Mạ đã dày công giữ gìn, truyền dạy văn hóa truyền thống để nét đẹp của dân tộc không bị mai một với thời gian.

Lưu giữ tiếng kèn M'buốt

Với âm sắc vang, khỏe, rộn ràng, cuốn hút, mỗi khi tiếng kèn M’buốt của nghệ nhân K’Tiêng, xã Đắk P'lao (Đắk Glong) cất lên đem lại cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc, như được sống trong không gian của lễ hội, không gian của núi rừng. Tiếng M’buốt vang lên cũng thu hút những đứa trẻ trong bon tới theo dõi và tìm hiểu cách chế tác nhạc cụ.

Nghệ nhân K’Tiêng năm nay đã gần 70 tuổi, được bố mẹ dạy thổi M’buốt từ thuở nhỏ. Lớn lên, với niềm say mê của mình, ông đã tích cực học hỏi và chế tác thành thạo kèn M’buốt. Đối với ông, M’buốt không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, nó chỉ là niềm vui, mà còn là niềm tự hào đối với những người con dân tộc Mạ ở Đắk Nông.

“Bây giờ ít người biết và quan tâm tới nhạc cụ dân tộc. Người biết thì cũng già hết rồi. Tôi luôn giữ gìn một điều gì đó cho con cháu sau này, nên chọn cách chế tạo nhạc cụ và truyền dạy lại cho ai yêu thích. Để làm được một cây kèn M’buốt hay phải trải qua nhiều công đoạn, quan trọng nhất là làm bằng chính sự rung động của bàn tay và tâm hồn người chế tác ra nó”, nghệ nhân K’Tiêng chia sẻ

Ở xã Đắk P'lao, ngoài nghệ nhân K’Tiêng, chỉ còn một số nghệ nhân khác biết chế tác và sử dụng kèn M’buốt. Để nhạc cụ truyền thống được lưu truyền, không bị mai một với thời gian, nghệ nhân K’Tiêng đã tích cực truyền dạy cho con cháu của mình. Những tiết học về nhạc cụ dân tộc có thể diễn ra ngay trong căn bếp chật hẹp, ven bờ suối hoặc bên hiên nhà, thế nhưng đây lại là nơi gieo tình yêu nhạc cụ dân tộc vào mỗi đứa trẻ, với hy vọng văn hóa truyền thống sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy.

Nguyễn Minh Phương, 14 tuổi, cháu ngoại của ông K’Tiêng tự hào: “Nhờ ông hướng dẫn, bản thân em đã biết một số kỹ năng cơ bản của M’buốt. Thời gian đầu tiếp cận với nhạc cụ này quả thực rất khó khi sử dụng, thế nhưng nếu có đam mê, tình yêu, em nghĩ rằng mình có thể cùng ông giữ gìn nét văn hóa đẹp của đồng bào Mạ ”.

hinh-1(1).jpg
Nghệ nhân K’Tiêng năm nay đã gần 70 tuổi, được bố mẹ dạy thổi M’buốt từ thuở nhỏ.

Bảo tồn văn hóa gắn phát triển du lịch
Cũng giống như nghệ nhân K’Tiêng, ở độ tuổi ngoài 70 nhưng mỗi khi có lễ hội hay các đoàn khách du lịch đến tham quan, nghệ nhân H’Giêng, bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, (Gia Nghĩa) vẫn say mê trình diễn các tiết mục dân ca mượt mà, ngọt ngào và sâu lắng, với các thể loại như hát ru con, hát đố, hát kể sử thi…

Ngoài hát dân ca, bà còn được biết đến là người diễn tấu chiêng giỏi. Thứ nhạc cụ dân tộc đã “ăn vào máu” của người phụ nữ Mạ nên mỗi lần được mời đi trình diễn, bà H’Giêng rất tự hào, hãnh diện. Thậm chí, trong quá trình xây dựng bon N’Jriêng là bon du lịch cộng đồng, bà H’Giêng còn tích cực cải tạo nhà cửa, biến khoảng sân trước nhà thành một nơi biểu diễn chiêng, thu hút khách du lịch tới thăm quan.

Nghệ nhân H’Giêng tâm sự: “Bây giờ du khách đến thăm bon N’Jriêng đều ghé nhà tôi để nghe tiếng chiêng và nghe hát sử thi. Nhờ những nỗ lực giữ gìn văn hóa của người dân và chính quyền địa phương, bản sắc của đồng bào Mạ được bảo tồn. Đồng bào Mạ ở xã Đắk Nia còn có thêm nguồn thu nhập từ việc khai thác các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mạ”.

hinh-2-2-.jpg
Nữ nghệ nhân H'Giêng ngoài 70 tuổi nhưng vẫn say mê với diễn tấu chiêng.

Với người Mạ, nhạc cụ truyền thống vừa là món ăn tinh thần, vừa là cầu nối giữa con người với thế giới thần linh. Hướng về cội nguồn, không chỉ chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, đồng bào dân tộc Mạ ở Đắk Nông luôn nhắc nhở nhau nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị tinh thần của dân tộc, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa Đắk Nông đa sắc màu

Thanh Hằng