Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):Bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, phản ánh nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn, với mong muốn xây dựng Luật Đất đai có tầm nhìn xa, sức sống lâu dài, khả thi, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới.
Trao đổi về quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 106, Dự thảo Luật Đất đai, ông Hồ Chí Khanh, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Krông Nô cho rằng, dự thảo luật đã quy định về thứ tự ưu tiên lựa chọn địa điểm tái định cư (tại địa bàn cấp xã nơi có đất bị thu hồi; đến địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố nơi có đất thu hồi, rồi mới đến địa bàn khác có điều kiện tương đương). Vậy “điều kiện tương đương” ở đây là gì, là về mặt địa lý tương đương hay về các tiêu chí được địa phương đề ra, bởi nếu bố trí người dân dân tộc thiểu số sang một địa bàn với các phong tục, tập quán hoàn toàn khác nơi ở cũ thì sẽ không đáp ứng được một trong các điều kiện của khu tái định cư mà luật quy định. Do đó, dự thảo cần làm rõ hơn các tiêu chí, điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) thì tại Điều 5, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định với vấn đề người sử dụng đất có ghi nhận “Hộ gia đình” là một chủ thể sử dụng đất. Các cơ quan soạn thảo, nghiên cứu quy định có cần thiết quy định đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình hay không! Thực tế, việc ghi chủ sử dụng đất là hộ gia đình đã dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh, rắc rối đối với các giao dịch về quyền sử dụng đất, các tranh chấp, kiện cáo về tài sản do nhiều trường hợp không đủ căn cứ xác định tại thời điểm nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất thì hộ gia đình có những nhân khẩu nào.
Cũng theo bà Hồng, phương pháp xác định giá đất chỉ quy định giao cho cơ quan nhà nước như vậy là chưa đủ, cần thành lập một cơ quan định giá độc lập để xây dựng bảng giá, thẩm định lại kết quả xác định giá đất, điều chỉnh khi có biến động, bảo vệ lợi ích của người dân.
Tương tự, ông Dương Tín Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Sở Tư pháp chia sẻ, tại khoản 1 Điều 154 dự thảo luật quy định: “Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm” sẽ gây tốn kém về thời gian, nhân lực, kinh phí. Dự thảo luật có thể xem xét quy định hệ số điều chỉnh tương tự như hệ số K mà UBND tỉnh ban hành hằng năm như hiện nay hoặc không quy định cụ thể bao nhiêu năm mà tuỳ tình hình thực tế do UBND tỉnh quyết định ban hành. Dự thảo quy định bảng giá đất được công bố công khai nhưng chưa có quy chế rõ ràng về việc công khai như thế nào? Ngoài ra, nếu Chính phủ bỏ khung giá đất, giao cho UBND tỉnh tự xây dựng bảng giá đất thì cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng chênh lệch giá mỗi nơi một kiểu.
Thời gian qua, đã có nhiều ý kiến của người dân, cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị tỉnh Đắk Nông tham gia đóng góp để hoàn chỉnh Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến đóng góp khá toàn diện, trong đó tập trung vào một số nội dung như quy định về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất... Việc tổ chức lấy ý kiến trong các tầng lớp Nhân dân, góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân; tăng cường tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.