Kinh tế

Đắk Nông nỗ lực hiện đại hóa công nghiệp nông thôn

Lê Dung 27/02/2023 16:32

Ngành Công thương đang từng bước hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Đây là tiền đề giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đổi mới dây chuyền sản xuất

Năm 2023, theo kế hoạch, Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức (Đắk Mil) sẽ được hỗ trợ 1 máy bắn màu, phân loại hạt cà phê đặc sản.

Theo đó, cùng với nguồn vốn 380 triệu đồng của đơn vị, chương trình khuyến công sẽ hỗ trợ thêm 300 triệu đồng giúp doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất.

Bà Lương Thị Hương, Giám đốc Công ty cho biết, việc đầu tư thiết bị máy móc mới giúp sản lượng của cơ sở tăng lên gấp 4 lần so với trước đây. Độ chính xác khi phân loại hạt cao hơn so với làm thủ công.

Để phân loại hạt cà phê chín, Công ty phải thuê 7 nhân công để nhặt thủ công. Mỗi người chỉ phân loại được tầm 400kg/ngày. Nếu có máy móc mới, mỗi giờ, cơ sở sẽ phân loại được gần 2 tấn cà phê, chi phí sản xuất sẽ được giảm mạnh.

cf-tai-duc-1-.jpg
Máy móc mới sẽ giúp Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tài Đức (Đắk Mil) khắc phục công đoạn phân loại thủ công

Ngoài ra, việc đưa thiết bị mới vào sản xuất sẽ giúp Công ty giảm khoảng 80% công lao động. Giá trị sản phẩm ra thị trường tăng gấp đôi so với trước đây.

Năm 2023, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa) sẽ được hỗ trợ 1 máy đóng gói tự động, 1 máy cán, cắt kẹo tự động.

Hiện doanh nghiệp đang cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm khác nhau như: hạt mắc ca, bánh gạo lứt, hạt điều sấy…

Trước đó, để giúp tăng công suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, Công ty từng bước đầu tư máy móc thiết bị hiện đại trong các khâu sản xuất chế biến, đóng gói.

an-phat-1-.jpg
Sản xuất thanh gạo lứt tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa)

“Với nguồn hỗ trợ 300 triệu đồng từ kinh phí khuyến công quốc gia, sắp tới sẽ giúp doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm thời gian. Sản phẩm làm được bảo đảm tốt hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sức cạnh tranh của sản phẩm nâng cao, tăng doanh thu cho doanh nghiệp”, bà Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Phát chia sẻ.

Ưu tiên nguồn vốn đầu tư

Trong năm qua, thông qua các chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn của Đắk Nông đã được ưu tiên hỗ trợ kinh phí đầu tư.

Từ công đoạn thủ công, bán tự động, việc hỗ trợ kịp thời đã giúp các cơ sở tự động hóa hoàn toàn quá trình sản xuất. Năng suất, chất lượng sản phẩm tăng cao rõ rệt.

Từ đó giúp gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn.

tai-duc-cf-1-.jpg
Sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp nông thôn được nâng cao nhờ sản xuất theo công nghệ mới

Đặc biệt, các nguồn vốn đã tập trung hỗ trợ cho các cơ sở có sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu thuộc các lĩnh vực như: chế biến cà phê, điều, mắc ca…

Ông Hoàng Quốc Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết, việc hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các cơ sở đã bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định.

Trong năm 2023, từ kinh phí Trung ương, toàn tỉnh dự kiến sẽ triển khai hỗ trợ 5 đề án về ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến. Trong đó chủ yếu là về sản xuất cà phê, bánh kẹo, chanh dây, gạch không nung…

Hiện tại, Trung tâm đang thực hiện việc khảo sát thực tế, tư vấn, hỗ trợ các cơ sở về thủ tục để thực hiện tốt các đề án. Đơn vị còn phối hợp với các địa phương triển khai chương trình. Từ đó giúp nguồn kinh phí hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất và đúng mục đích.

Lê Dung