Italia thông qua sắc lệnh kiểm soát nhập cư trái phép: Bước đi gây tranh cãi
(HNM) - Italia vừa thông qua đạo luật mới với mong muốn kiểm soát tốt hơn dòng người nhập cư trái phép. Đây là bước đi cứng rắn của Italia nhưng điều này lại dẫn đến nhiều tranh cãi về nguy cơ cản trở công tác giải cứu người di cư gặp nạn trên vùng biển Địa Trung Hải, qua đó tạo ra “cuộc khủng hoảng nhân đạo”.
Thượng viện Italia ngày 23/2 (giờ địa phương) chính thức phê chuẩn luật mới dựa trên sắc lệnh do chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni ban hành với 84 phiếu thuận và 61 phiếu chống. Trước đó, Hạ viện Italia cũng đã thông qua sắc lệnh này vào ngày 15/2. Luật mới thể hiện nỗ lực của chính quyền Italia trong việc kiểm soát hoạt động cứu hộ, cứu nạn của các tổ chức phi chính phủ (NGO) - điều mà Rome cho rằng đã khuyến khích người di cư thực hiện các chuyến đi nguy hiểm từ Bắc Phi vượt Địa Trung Hải.
Điểm mấu chốt của luật mới là các tàu cứu nạn trong khu vực phải di chuyển và cập cảng "không chậm trễ" sau khi giải cứu được người di cư, thay vì lênh đênh trên biển để tìm kiếm thêm các thuyền chở người di cư gặp nạn khác rồi mới vào bờ. Tàu thuyền vi phạm sẽ bị phạt nặng, với mức phạt có thể lên tới 50.000 euro (khoảng hơn 53.000 USD). Nếu vi phạm nhiều lần thì phương tiện sẽ bị tịch thu. Trên thực tế, ngay sau khi luật mới được ban hành, các lực lượng chấp pháp của Italia ngày 24-2 đã tạm giữ tàu cứu nạn Geo Barents của lực lượng Bác sĩ Không biên giới (MSF) trong 20 ngày, đồng thời đưa ra án phạt 10.000 euro.
Giới quan sát cho rằng, sự cứng rắn của Rome ở thời điểm này là dễ hiểu, khi từ đầu năm 2023 tới nay đã có 12.667 người di cư trái phép bằng đường biển đến quốc gia Nam Âu, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khoảng 157 người mất tích, và được cho là đã chết. Năm 2022 cũng có khoảng 105.140 người di cư bằng đường biển tới Italia, tăng mạnh so với mốc 67.477 người năm 2021 và tăng hơn 3 lần so với mức 34.154 người của năm 2020. Theo Thứ trưởng Nội vụ Italia Nicola Molteni, việc kiểm soát vấn đề nhập cư bất hợp pháp là cần thiết để tránh những hệ lụy như lao động cưỡng bức, lao động bất hợp pháp, tội phạm…
Tuy nhiên, việc triển khai luật mới vấp phải sự quan ngại từ Liên hợp quốc và nhiều tổ chức nhân đạo. Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk khẳng định, sự cứng rắn lần này không phải là biện pháp để giải quyết “cuộc khủng hoảng nhân đạo” liên quan tới người di cư trái phép. Các ý kiến cho rằng, luật mới sẽ làm giảm hiệu quả các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, nhấn mạnh người di cư và người tị nạn sẽ vẫn ra khơi bất kể có tàu cứu hộ hay không. Một số tổ chức cũng cho rằng, việc các tàu cứu nạn phải cập bến ở những cảng xa xôi phía Bắc Italia cũng làm gia tăng đáng kể chi phí nhiên liệu, trong khi thủ tục hành chính ngày càng rườm rà.
Đáp lại, Italia khẳng định không có ý định hạn chế hoạt động giải cứu của các tổ chức phi chính phủ, mà thay vào đó hướng đến việc “chấm dứt các hoạt động giải cứu người trên biển một cách có hệ thống nhưng không có bất kỳ hình thức phối hợp nào”. Rome cũng công bố số liệu cho thấy chỉ khoảng 10% người di cư tới được Italia trong năm 2022 trên những con thuyền của các tổ chức phi chính phủ; đồng thời giải thích việc yêu cầu tàu cứu nạn cập cảng phía Bắc là để phân bổ hài hòa hoạt động hỗ trợ người xin tị nạn, tránh tình trạng các tỉnh miền Nam nghèo hơn phải nhận hoàn toàn gánh nặng.
Có thể thấy, mỗi bên liên quan đang cố gắng bảo lưu quan điểm, nhưng thực tế là những biện pháp đề ra chưa góp phần giải quyết căn cơ vấn đề người di cư trái phép. Vì vậy, lúc này đây, những bất đồng phải được chấm dứt, và các bên liên quan cần nhanh chóng có những thảo luận mang tính xây dựng, qua đó cùng nhau tìm ra phương thức ứng phó phù hợp và hài hòa hơn.