Tường thuật từ tâm chấn: Hatay gượng dậy sau thảm họa
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 20:03, 24/02/2023
“Chúng tôi đã cầu nguyện khi chung quanh mọi thứ đổ sập xuống. Không gian tối đen, tiếng đổ vỡ, tiếng người la hét náo loạn. Bụi mù mịt bay thẳng vào mắt, mũi và miệng”, Ersin nhớ lại. |
DƯ CHẤN TRÊN NHỮNG THÀNH PHỐ VẮNG BÓNG NGƯỜI
Ersin Ulgu là chủ một nhà máy sản xuất giày da cỡ nhỏ tại Antakya (Hatay). 4 giờ sáng 6/2, khi đang ngủ ở căn hộ tại tầng 4 của khu chung cư thấp tầng thì bỗng cảm nhận được sự rung lắc dữ dội. Người đàn ông 43 tuổi, vốn đã quen với động đất, đã vội vàng bật dậy, đưa vợ cùng 2 con chạy vội sang căn phòng nhỏ phía sát ngoài ban công.
“Chúng tôi đã cầu nguyện khi chung quanh mọi thứ đổ sập xuống. Không gian tối đen, tiếng đổ vỡ, tiếng người la hét náo loạn. Bụi mù mịt bay thẳng vào mắt, mũi và miệng”, Ersin nhớ lại.
“Chúng tôi đã cầu nguyện khi chung quanh mọi thứ đổ sập xuống. Không gian tối đen, tiếng đổ vỡ, tiếng người la hét náo loạn. Bụi mù mịt bay thẳng vào mắt, mũi và miệng”, Ersin nhớ lại. |
Chung cư của Ersin ở nằm bên bờ phải sông Orentes trên một khoảng đất khá rộng. Hai tòa nằm sát nhau bị xé toạc như một vết cắt nham nhở. Kính cửa vỡ vụn, rơi đầy sân. Từ các ô trống, chúng tôi có thể thấy rõ những chiếc giường còn nguyên chăn đắp mà họ bỏ lại sau khi vội vã trốn chạy thiên tai.
Cũng tại Antakya, Suat Ates, một người may mắn thoát nạn cũng chưa thể quên được buổi sáng kinh hoàng ấy. Suat may mắn chạy ra được bên ngoài trước khi căn nhà hoàn toàn bị vùi lấp. Mặc dù đã từng trải qua rất nhiều trận động đất, nhưng Suat vẫn phải dùng từ “không thể tưởng tượng nổi” khi nói về cơn địa chấn ngày 6/2.
Tòa chung cư nơi Ersin sống đã bị động đất bẻ cong với những vết nứt dọc ngang. |
Ngay bên cạnh, nhóm người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ liên tục góp thêm những câu chuyện của riêng họ. Có người đã mất đi người thân, có người vẫn đang giữ hy vọng mong manh về điều kỳ diệu có thể xuất hiện dưới thành phố Antakya hoang tàn. Nỗi sợ hãi vẫn còn hằn rất rõ trên từng gương mặt phờ phạc sau nhiều đêm không thể ngủ. Dư chấn nối tiếp sau càng khiến tâm trạng của họ trở nên nặng nề hơn.
Ersin đứng trước đống đổ nát vốn từng là nhà xưởng nhộn nhịp ngày nào. Trước mặt, xen lẫn trong gạch đá cao hàng mét vẫn có những đôi giày lấm lem bùn đất. Nhóm công nhân thi thoảng lại cố gắng trèo vào để nhặt nhạnh vài thứ đồ có giá trị.
“Dư chấn vẫn xuất hiện liên tục. Chúng tôi rất lo lắng. Nằm trong các khu lều tạm có thể cảm giác rõ mặt đất đang chao đảo”, một người thợ giày tại Antakya nói với phóng viên.
Ngay thời điểm nhóm phóng viên Báo Nhân Dân đặt chân xuống Thổ Nhĩ Kỳ, tối 20/2, một trận động đất với cường độ 6,3 cũng đã làm rung chuyển thị trấn Defne, Hatay, cướp đi 3 sinh mạng và khiến hơn 200 người khác bị thương. Cách Defne vài chục km, lực lượng cứu hộ, cứu nạn quốc tế tại sân vận động Hatay cũng cảm nhận rõ sự dịch chuyển của nền đất dưới chân.
Nỗi lo dư chấn vẫn hiển hiện với người dân Hatay ngay lúc này. |
“Tất cả chao đảo. Đồ để trên mặt bàn bị hất tung. Ngồi ngay trên khe nứt của trận động đất cũ mà chúng tôi toát mồ hôi”, một cán bộ cứu hộ đoàn Việt Nam nhớ lại.
Tiếp đó, ngay chiều 23/2, một trận động đất mới với cường độ 5,0 tiếp tục xảy ra tại Denvi, Hatay nhưng không gây thương vong về người. Cũng trong cùng thời điểm, nhóm phóng viên Báo Nhân Dân cũng lần đầu tiên trải qua cảm giác lo sợ cùng người dân Thổ Nhĩ Kỳ khi một cơn rung chấn nhỏ đã xảy ra tại nơi các đoàn quốc tế đóng quân. Dù chỉ diễn ra trong vòng nửa phút, nhưng tất cả đều phải lao ra khỏi các lều bạt, xe ô-tô để tìm nơi trống trải đứng.
Theo số liệu từ ứng dụng Earthquake, kể từ sau trận động đất ngày 6/2, hàng chục cơn dư chấn lớn nhỏ đã liên tục diễn ra trong các thành phố đã vắng bóng người. Tin nhắn cảnh báo liên tục được gửi về điện thoại cá nhân của chúng tôi với những địa danh khắp miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Matlaya, Kahramanmaras, Adana đến Hatay, tất cả đều xuất hiện trên bản đồ đỏ của ứng dụng.
“Chúng tôi rất lo lắng khi dư chấn vẫn kéo dài. Nhiều người đã rời bỏ thành phố này để tới Istanbul và một số tỉnh, thành phố khác an toàn hơn”, Ersin thở dài nói.
Những vùng xanh đã được chính quyền lập ra để bảo đảm an toàn cho người dân. |
Nhằm bảo đảm an toàn, chính quyền các địa phương cũng đã thành lập các vùng xanh tại những địa bàn trống trải; đồng thời yêu cầu người dân không được ở lại trong những công trình đổ nát. Dọc các con đường chạy quanh Antakya, những khu lều trại tạm thời giống như những ngôi làng nhỏ đã được dựng nên nhanh chóng. Cả thành phố dường như trống rỗng, chủ yếu chỉ còn lực lượng chức năng đang dọn dẹp trên những núi đất đá bê-tông khổng lồ.
Những người như Suat, Ersin… thi thoảng lại đi dọc quanh những con đường đã nứt nẻ. Họ lướt qua những nơi từng là căn nhà an toàn của mình trong nỗi âu lo vẫn còn hiển hiện.
CHÚNG TÔI SẼ CÙNG NHAU DỰNG LẠI THÀNH PHỐ MỚI
Những ngày này, đi dọc các địa phương tại Hatay, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh dọn dẹp khẩn trương để tái thiết lại từ những đau thương. Tại khu vực trung tâm thành phố Antakya, những máy múc cỡ lớn được đưa vào, không ngừng nghỉ múc hàng tấn gạch đá để chuyển đi. Xe tải chạy liên tục. Tiếng máy móc ì ầm. Cảnh sát và quân đội có mặt tại mọi nơi để giữ an toàn trật tự.
Khắp nơi trong thành phố, bụi bay lên mịt mù khiến không khí gần như luôn đặc quánh. Nhưng không một ai phàn nàn. Họ đều chờ mong một tương lai mới sẽ lại bắt đầu.
Máy xúc cỡ lớn đang dọn dẹp. Đây cũng là cảnh rất dễ bắt gặp tại Hatay những ngày tái thiết. |
Serkan Borklu, hơn 40 tuổi đã lập điểm cứu trợ miễn phí ngay cạnh đại công trường trên con phố trung tâm Kurtulus. Ngồi trên ghế nhìn biển khói bụi mù mịt ngay bên cạnh, ông nói: “Chúng tôi hy vọng công cuộc dọn dẹp sẽ sớm được hoàn thành. Trong suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã vượt qua rất nhiều thảm họa ở các mức độ khác nhau. Tôi tin rằng, lần này, Hatay, Matlaya, Kahramanmaras, Adana cũng sẽ làm được điều tương tự”.
Những ngày này, người Hatay cũng đã quen dần với một nhịp sống mới, vốn dĩ khá bất thường. Từng nhóm người mang ghế ra ngồi trên những khu đất thoáng, ngay cạnh ngôi nhà cũ đã đổ sập. Một bếp lửa dã chiến được lập nên, trên đó sẽ là một ấm trà 2 tầng theo đúng truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau trận động đất lịch sử, nhiều điều bất thường đã dần trở thành bình thường tại Hatay, điển hình như việc đọc sách ngay bên đống đổ nát. |
Rót ra một chén trà nóng bỏng, bỏ viên đường nhỏ xíu bằng đầu ngón tay, thêm một lát bánh quy, thế là họ đã có một bữa trà chiều. Họ nói với nhau về nỗi lo hiện tại, niềm hy vọng vào tương lai. Họ cũng đọc kinh Qur’an, tiếng cầu nguyện thi thoảng lại ngân lên trên nền những phế tích.
“Với tôi, sống sót đã là một điều kỳ diệu. Hiện tại điều tôi mong mỏi không phải là đến một thành phố mới mà là tiếp tục được sống và gắn bó với nơi đây. Đây là tôi đã sinh ra, con cái, bạn bè, gia đình chúng tôi cũng ở đây. Tất cả sẽ cùng chờ đợi để bắt đầu một cuộc sống mới”, ông Ersin Uglu tại Antakya nói với phóng viên Báo Nhân Dân.
"Được sống sót đã là một niềm hạnh phúc. Chúng tôi sẽ cùng ở lại để tái thiết thành phố này trong tương lai", Ersin Uglu cho biết. |
Trong khi đó, Suat Ates cũng khẳng định: “Trận động đất vừa rồi thật khủng khiếp nhưng đó không phải lần đầu tiên thành phố này chịu nỗi đau tương tự. Chúng tôi đã vượt qua thảm họa rất nhiều lần. Antakya nói riêng, Thổ Nhĩ Kỳ nói chung có một sức sống mãnh liệt. Chắc chắn, chúng tôi sẽ ở lại để xây lại những ngôi nhà, dựng lại công xưởng và cùng nhau kiến thiết thành phố mới”.
Tinh thần lạc quan và tình yêu quê hương của người dân Hatay có lẽ sẽ là một yếu tố vô cùng quan trọng đem đến những dấu hiệu hồi sinh cho vùng đất đang chịu nhiều đau thương này.