Kinh tế

Việt Nam “điểm sáng” trong thu hút vốn FDI

Thùy Trang (Nguồn: baoquocte.vn) 27/02/2023 6:32

Việt Nam là ngôi sao đang lên trong khu vực với chính sách ổn định, nền kinh tế năng động, những nỗ lực cải cách. Sức hút của Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn đã được khẳng định suốt thời gian qua.

Cú hích từ những dự án “khủng”

Ngay những ngày đầu năm Quý Mão, Việt Nam đã liên tục đón tin vui khi tiếp bước Samsung, Compal, một trong các đối tác sản xuất của Apple và nhiều “ông lớn” công nghệ khác trên thế giới, vừa nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để triển khai xây dựng một nhà máy chuyên gia công, lắp ráp thiết bị điện tử, như máy tính xách tay, đồng hồ thông minh… tại tỉnh Thái Bình. Vốn đầu tư của dự án là 6.467 tỷ đồng, tương đương 260 triệu USD. Theo kế hoạch, dự án trên sẽ sớm được xây dựng để chính thức đi vào sản xuất trong quý II/2024, đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới.

17.jpg
Dòng vốn FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình khôi phục kinh tế

Mới đây, Foxconn, một đối tác sản xuất khác của Apple vừa hoàn tất việc thuê đất để mở rộng nhà máy ở Bắc Giang. Khu đất được cho là liên quan đến dự án 300 triệu USD mà Foxconn dự định triển khai tại Việt Nam từ năm ngoái để dịch chuyển sản xuất một số sản phẩm chủ chốt của Apple như MacBook, Apple Watch và iPad như một phần trong nỗ lực tránh phụ thuộc vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án phần nào chứng tỏ tiềm năng không nhỏ của điểm đến đầu tư Việt Nam.

Niềm tin của Samsung hay Compal, Foxconn… cũng là của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt vào Việt Nam. Không chỉ các nhà đầu tư Hàn Quốc, nhiều nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, Singapore… đều khẳng định, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực và thế giới.

Tại Hội nghị G20 vừa qua, tờ Financial Times ghi nhận đánh giá của các chuyên gia, cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn FDI và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới. Có thể thấy, “mắt xích” Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sách trắng 2022-2023 mà Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố nhấn mạnh, Việt Nam là điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài hấp dẫn. Chi phí kinh doanh thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng vọt và môi trường thuận lợi cho kinh doanh… chính là những yếu tố làm nên sức hút của thị trường Việt Nam.

Trăn trở bài toán cạnh tranh

Để có được những “quả ngọt” trong thành tích thu hút FDI như hiện nay, bên cạnh những yếu tố khách quan, không thể không kể đến sự quyết tâm và đồng lòng của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến các địa phương… của Việt Nam. Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, ngay từ đầu năm 2023, nhiều địa phương đã nêu rõ mục tiêu thu hút vốn FDI với những con số khá ấn tượng và triển khai các giải pháp để tăng tốc công tác này.

Quyết tâm đưa Việt Nam ngày càng “đẹp hơn” trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài cũng được thể hiện ở cấp cao nhất khi tại buổi làm việc với đoàn Hội đồng doanh nghiệp EU - ASEAN và EuroCham ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; tôn trọng, khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Dù có được niềm tin của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhưng để có thể tự tin cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực trên đường đua thu hút FDI, Việt Nam sẽ cần phải vượt qua nhiều trở ngại. Trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực, lợi thế chủ yếu thu hút FDI của Việt Nam là giá nhân công và giá thuê đất rẻ, theo các chuyên gia kinh tế, về dài hạn sẽ bất lợi.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng, sửa đổi những nhóm chính sách, cơ chế đặc thù để thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; các địa phương cần có chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; sớm khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng; nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ…

Đề cập câu chuyện thuế tối thiểu toàn cầu, vốn đang là vấn đề “nóng” đối với không chỉ Việt Nam, EuroCham cho rằng, Việt Nam nên hợp tác với các nước đang phát triển khác để đàm phán các điều kiện hạn chế, ngoại lệ, nhằm bảo vệ các lợi ích ưu đãi thuế của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành cụ thể, dựa trên mức độ sử dụng lao động, chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa phát triển kinh tế…

Thùy Trang (Nguồn: baoquocte.vn)