Dấu ấn Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Chính trị - Ngày đăng : 14:12, 24/02/2023

Trung tướng - Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên để lại nhiều dấu ấn sâu đậm nhất đối với Bộ Tư lệnh Trường Sơn và cũng như trong lòng người dân quê hương Quảng Bình.

Trong cuốn hồi ký “Trọn một con đường”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ghi lại “Quê hương là đỉnh núi, dòng sông..., với tôi điều đó thật thiêng liêng, nguồn sức mạnh lớn lao giúp tôi vượt qua bao khó khăn, thử thách cam go suốt cuộc đời hoạt động cách mạng”.

Từ quê nhà ở thôn Trung, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, ông lớn lên, đi theo cách mạng rồi trở thành vị tướng Trường Sơn huyền thoại. Dù ở đâu, làm gì, ông luôn dành trọn tình yêu, niềm thương nỗi nhớ về quê mẹ nghèo khó, đầy ắp nghĩa tình.

Thôn Trung, xã Quảng Trung là một rẻo đất hẹp nằm ven sông Gianh, lưng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, quanh năm chưa nắng đã hạn, vừa mưa đã ngập. Trong hồi ký “Trọn một con đường”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ghi lại “Tuổi thơ tôi lớn lên cùng sông Gianh, dòng sông đi vào lịch sử dân tộc bao đời và chứa đựng trong mình biết bao sự tích, huyền thoại; sông chứng kiến nỗi đau đất nước bị cắt chia, Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài hàng trăm năm. Sông Gianh là một phần quê hương, một phần máu thịt đời tôi”.

Quê hương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn có chợ Sải, nơi lưu dấu tuổi thơ của ông về cảnh huyên náo, nhộn nhịp của ngày phiên chợ. Chợ Sải cứ mười ngày họp hai phiên, là nơi giao thương, buôn bán vật phẩm của cả vùng quê ông. Có những phiên chợ đang diễn ra bình thường, bất ngờ bị lũ tay sai bán nước, bọn thực dân, phong kiến lao vào bắt bớ, đánh đập, đàn áp người dân vô tội.

Chứng kiến cảnh người dân bị kẻ thù áp bức, giày xéo, Đồng Sỹ Nguyên không khỏi thương xót những phận người thấp bé. Căm phẫn tội ác của quân thù, ông hăng hái tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn nhỏ.

Với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, trong hơn 70 năm hoạt động cách mạng và khi nghỉ hưu, ông vẫn luôn nhớ về con sông quê hương và những người nông dân lam lũ, hiền lành nơi quê nhà. Mỗi lần về thăm quê, ông đi từ đầu làng tới cuối xóm hỏi thăm tình hình sản xuất, đời sống, sức khỏe của bà con. Thấy bà con phải dùng nguồn nước nhiễm phèn trong sinh hoạt, ông đã hỗ trợ làm ngay 1 giếng lọc để mọi người có nước sạch để dùng.

Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, Nguyên Tư lệnh Quân khu 4 là cháu của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhớ rất rõ từng lời căn dặn của chú Đồng Sỹ Nguyên đối với mình. Ông bảo, làm cán bộ lãnh đạo của quân khu phải tự đi bằng đôi chân của mình, cháu không được dựa dẫm vào chú mà phải tự mình phấn đấu và rèn luyện; Phải đoàn kết trong lãnh đạo, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân khu 4, đối xử đúng mực với cán bộ, chiến sĩ và luôn đi cơ sở, sâu sát nhân dân, từ các phong trào thực tiễn để đúc rút, đề ra các chủ trương lãnh đạo sát đúng.

“Tuổi thơ của ông (Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) gắn bó với dòng sông Gianh, khi đang còn nhỏ thì ngày đi học 1 buổi, 1 buổi ra sông Gianh tắm, nô đùa, chăn trâu cắt cỏ. Điều đặc biệt với ông đó là dòng Gianh và chợ Sải ngay gần quê, nơi đó đã ảnh hưởng đến tuổi thơ của ông. Chú Đồng Sỹ Nguyên là người rất gần gũi, cứ mỗi lần chú cháu gặp nhau thì rất chân tình, luôn có những cử chỉ ân cần và luôn động viên con cháu”- Trung tướng Nguyễn Hữu Cường nhớ lại.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh ra trong một gia đình nông dân, cha mất sớm khi ông mới lên 10 tuổi, 1 mình người mẹ tần tảo nuôi dạy 7 đứa con. Nhà nghèo, con đông, nhưng mẹ và anh chị em của ông đều dồn sức cho Nguyễn Hữu Vũ (tên khai sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) được đến trường.

Ông Hoàng Đức Minh, ở thôn Trung, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình kể rằng, mỗi lần về thăm quê, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lại ra đứng bên bờ sông Gianh, đưa mắt ngắm nhìn cảnh vật, sông nước rồi hít hà gió mát sông quê. Ông cũng dành thời gian để thăm hỏi sức khỏe và đời sống của bà con chòm xóm, vui mừng khi quê hương ngày một phát triển.

Nghe tin Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về, bà con nhân dân ai cũng hồ hởi mong gặp ông để được nhìn ông gần hơn, được nghe ông hỏi han, chuyện trò. Lần nào về, ông cũng ân cần thăm hỏi, nhắc nhở con cháu, bà con trong làng phải chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ông dặn dò mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích Nhân dân lên trên hết, gương mẫu đi đầu trong các phong trào để nhân dân tin tưởng và noi theo. Ông Hoàng Đức Minh cho biết, trong những ngày chuẩn bị Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người dân quê nhà tổ chức nhiều hoạt động tri ân công lao của vị tướng Trướng Sơn huyền thoại.

“Tôi vinh dự đi dạy học 3 năm ở trường học trên quê hương Tướng Đồng Sỹ Nguyên và cũng có nhiều kỷ niệm,  cũng viết nhiều bài về gia đình ông. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tôi cảm thấy rất xúc động, tưởng nhớ lại những kỷ niệm, công lao, cống hiến của ông đối với cách mạng, với quê hương đất nước.”-ông Hoàng Đức Minh xúc động nói.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không chỉ là vị Tư lệnh xuất sắc mà còn là người truyền cảm hứng cho Bộ đội Trường Sơn vươn lên và không bao giờ chùn bước trước khó khăn, thách thức. Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài suốt 16 năm (1959-1975) thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có gần 10 năm làm Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam khẳng định, Trung tướng - Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên để lại nhiều dấu ấn sâu đậm nhất đối với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tạo nên bước ngoặt về tư tưởng và hành động đối với Bộ đội Trường Sơn. Quan điểm của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là lính Trường Sơn không có quyền nói là không thể làm được mà chỉ có quyền nói là làm thế nào để làm được.

Đường Trường Sơn trước đó là một con đường mòn vận chuyển bằng gùi thồ, mang vác, chỉ mới chuyển sang vận tải bằng ô tô chưa lâu. Khi vị Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào, đường Trường Sơn phát triển thành một hệ thống đường vận tải quân sự hiện đại với nhiều trục dọc, trục ngang phức tạp có độ dài lên đến 17.000 km; có đường ống xăng dầu dài 1.400 km, đường giao liên và tải thương dài 1.200 km.

Quân số lúc cao điểm ở đường Trường Sơn lên tới hơn 12 vạn người. Trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại là hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã chiến đấu và anh dũng hy sinh, nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn.

Trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn đau đáu nghĩ về nơi an nghỉ của đồng đội mình. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở thời điểm khốc liệt nhất, tháng 3/1973, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã thực hiện công tác đưa thi hài các liệt sỹ Trường Sơn về với đất mẹ, an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn ngày nay.

Cả cuộc đời của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã sống trọn nghĩa, vẹn tình với đồng chí, đồng đội và với cả núi rừng Trường Sơn.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu cho rằng có 4 yếu tố làm nên kỳ tích của Tướng Đồng Sỹ Nguyên trên đường Hồ Chí Minh: Thứ nhất là tư tưởng tiến công, thứ 2 là xông pha đến chỗ gian khổ ác liệt nhất để giải quyết vấn đề từ thực tiễn, thứ 3 là ông là con người rất thực tế và cầu thị; thứ 4 đó là nghĩa tình đồng đội.

"Ông là cán bộ cấp bậc cao nhưng luôn quan tâm đến từng người chiến sĩ. Năm 1973, sau khi ký hiệp định Paris, ông đã nghĩ ngay đến những người đồng đội đang nằm lại đại ngàn và quyết định xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đó là quyết định thấm nghĩa tình đồng đội, cách nhìn xa cho tương lai” - Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nhấn mạnh./.

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung