Kinh tế

Chuyển đổi cây trồng tránh hạn cuối vụ

Kim Ngân 24/02/2023 08:40

Để vụ đông xuân năm nay đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã xây dựng và thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cách làm này giúp người dân nâng cao hệ số sử dụng đất, hạn chế rủi ro về thời tiết.

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 10.332 ha cây trồng ngắn ngày các loại. Trong đó, lúa nước 5.161 ha; bắp 1.909 ha; rau xanh 1.643 ha; đậu 157 ha; khoai lang 1.462 ha...

Tùy thuộc vào điều kiện đất đai, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch gieo trồng. Trong đó, các địa phương đều chú trọng phương án hạn chế tình trạng khô hạn vào cuối vụ, định hướng tiêu thụ sản phẩm theo nhu cầu thị trường.

Trước mắt, các huyện tiến hành rà soát, chuyển đổi những diện tích có khả năng bị khô hạn cuối vụ sang cây trồng khác có nhu cầu về nước ít hơn như: bắp, đậu các loại, bí đỏ, khoai lang...

df(2).jpg
Gia đình ông Trần Quý Mạnh, ở thôn 2, xã Buôn Choáh (Krông Nô) chăm sóc ruộng bắp vụ đông xuân

Gia đình ông Trần Quý Mạnh, ở thôn 2, xã Buôn Choáh (Krông Nô) có 6 sào đất sản xuất. Hàng năm, vào vụ hè thu khi nước trên cánh đồng dồi dào, gia đình ông trồng lúa. Còn vụ đông xuân do không đủ nước, ông chuyển sang trồng bắp, khoai lang.

Ông Mạnh cho biết: "Gia đình muốn trồng lúa, nhưng nguồn nước thiếu hụt nên buộc phải chuyển sang trồng bắp. Trồng bắp nhu cầu nước ít. Mỗi vụ bắp chỉ cần tưới khoảng 4 đợt, nên không lo khô hạn nhiều như cây lúa”.

Theo ông Mạnh, cây bắp vụ đông xuân hằng năm đều sinh trưởng, phát triển khá tốt. Do đó, vườn bắp đạt năng suất khá cao, ước khoảng từ 8 - 9 tấn/ha, bảo đảm thu nhập cho gia đình.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hiền, ở xã Tâm Thắng (Cư Jút), vụ đông xuân này cũng trồng trên 2 sào rau xanh. Theo ông Hiền, đối với rau xanh, nhu cầu nước tưới là thường xuyên, nhưng lượng nước không cần nhiều.

Do đó, ông chỉ cần đào giếng là đủ nước tưới cho vườn rau. "Nhờ chủ động được nước tưới, nên dù có những năm thời tiết nắng nóng gay gắt vẫn không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của gia đình", ông Hiền cho biết.

Tương tự, tại các xã Cư K’nia, Đắk D’rông, Nam Dong (Cư Jút)… người dân đã đưa các loại cây ngắn ngày, nhu cầu nước ít để trồng trên những diện tích xa nguồn nước.

Nhờ đó, cách chuyển đổi này, nhiều diện tích đất sản xuất của bà con không bị bỏ hoang. Quá trình sản xuất, bà con chủ động được nguồn nước tưới trong mùa khô.

dsc_0597(1).jpg
Người dân xã Quảng Sơn (Đắk Glong) chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang bắp cải mang lại hiệu quả cao 

Theo Sở NN – PTNT tỉnh, ngoài việc bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa được quy hoạch, các huyện đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Đối với các huyện Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô, việc triển khai đánh giá, khoanh vùng sản xuất lúa có nguy cơ thiếu nước, không có khả năng tưới được các địa phương chú trọng.

Trong những năm qua, hầu hết các mô hình chuyển đổi cây trồng đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa từ 3 – 12,6 triệu đồng/ha. Đặc biệt, đối với cây ngắn ngày có thể trồng nhiều vụ trong năm, nên lợi nhuận cao hơn từ 2-3 lần so với trồng lúa.

Bên cạnh việc hướng dẫn nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, các cấp, ngành, địa phương còn chú trọng việc hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất.

Các địa phương luôn có những phương án, giải pháp trong việc chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa vụ đông xuân theo quy hoạch, quy mô diện tích của từng vùng. Nhờ đó, người dân thu được kết quả cao và sản xuất ổn định lâu dài.

Kim Ngân