Đất và người Đắk Nông

Tiếng sáo Mèo ở Đắk Glong

Mỹ Hằng 23/02/2023 15:58

Dù vào lập nghiệp ở huyện Đắk Glong đã nhiều năm, nhưng đồng bào dân tộc Mông, thôn 3, xã Đắk Som vẫn luôn giữ gìn nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tiếng sáo Mèo trên vùng đất mới

“Đã là con trai người Mông phải biết thổi khèn, thổi sáo, thổi đàn môi. Đã là con gái người Mông phải biết nghe tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi”. Câu ca cổ ấy đã theo bao thế hệ của người Mông như một lời răn dạy về việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc. Tự hào về tiếng sáo của dân tộc, dù sinh sống xa quê nhưng anh Lầu A Hẵng, thôn 3 vẫn thường xuyên tập luyện thổi sáo. Theo anh Hẵng, để tạo nên những bài sáo hay, ngoài kỹ thuật điêu luyện của người thổi, yếu tố quan trọng còn là cây sáo chuẩn của đồng bào Mông.

Ngoài làm rẫy, anh Hẵng còn mở một quán ăn nhỏ. Ngay trong quán nhỏ, anh dành một góc để trưng các loại nhạc cụ sáo Mèo. Du khách đến đây không chỉ được nhìn ngắm, tìm hiểu về nhạc cụ mà còn được anh trực tiếp thổi sáo phục vụ. “Đã là con trai Mông thì ai cũng có thể thổi sáo Mèo, bởi đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc mình từ bao đời. Những cây sáo đều được tôi mang từ ngoài quê vào, ngoài tập luyện thỏa sức với đam mê của mình, tôi con bán cho những người cần”, anh Hẵng cho biết.

img_2084(1).jpg
Anh Lầu A Hẵng thường xuyên luyện tập thổi sáo để phục vụ trong các dịp lễ, hội.

Hiện nay, anh Hẵng nghiên cứu, mong muốn tiếng sáo Mèo được kết hợp với những nhạc cụ hiện đại để vừa duy trì, vừa phát triển, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của người dân, du khách.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Không chỉ có tiếng sáo quen thuộc, đến thôn 3, người dân đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc bóng đèn chiếu sáng ẩn mình trong những vật dụng gắn liền với đời sống hàng ngày của đồng bào Mông như dao Mèo, cây nỏ, kèn, khèn… Những chiếc thùng được rác tự chế cũng được bà con trong thôn tạc thêm những hình con vật như ngựa, bò, trâu… Nhiều gia đình người Mông còn tự may những bộ trang phục truyền thống với màu sắc rực rỡ, hoa văn phong phú, nổi bật để mặc vào những sự kiện đặc biệt. Đời sống tinh thần phong phú còn được thể hiện qua các phong tục tập quán, quan niệm về trời đất và con người, vạn vật và các lễ hội.

Chị Giàng Thị Tồng, người dân thôn 3 tâm sự: “Dù vào đây đã lâu, nhưng gia đình tôi vẫn thường tự may những bộ quần áo dân tộc mình. Chúng tôi may để phục vụ cho các thành viên trong gia đình vừa để bán cho bà con trong thôn. Bên cạnh đó, tôi còn bán các loại ví thổ cẩm dân tộc Mông, dao Mèo…”.

img_2067(1).jpg
Những con vật quen thuộc trong đời sống đồng bào Mông cũng được người dân tạc để nhắc nhở con cháu.

Theo ông Mùa A Mang, Bí thư Chi bộ thôn 3, do trong thôn chủ yếu là đồng bào Mông, nên chi bộ, ban tự quản và các tổ chức đoàn thể thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con dù ở đâu, làm gì cũng phải giữ gìn nét đẹp bản sắc dân tộc mình. Mỗi khi thôn triển khai các hoạt động, phong trào đều gắn, lồng ghép với nền nếp văn hóa vào. Các dịp lễ tết, lễ hội, bà con trong thôn đều mặc trang phục truyền thống.

“Dù ở quê hương mới, nhưng đồng bào Mông thôn 3 luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi mong muốn, thế hệ trẻ sau này luôn nhớ về bản sắc văn hóa dân tộc Mông của mình để vừa giữ gìn, vừa phát huy, trở thành nét đẹp riêng nơi vùng đất Tây Nguyên”, ông Mang chia sẻ.

Mỹ Hằng