Thủ tướng Đức thăm Ấn Độ: Kết tình thân trong toan tính chiến lược
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:00, 23/02/2023
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi ký ý định thư về quan hệ đối tác vì phát triển xanh và bền vững tại Berlin, tháng 5/2022. (Nguồn: DW) |
Chuyến công du Ấn Độ từ ngày 25-26/2 là chuyến thăm đầu tiên của ông Olaf Scholz tới đất nước sông Hằng kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Đức vào tháng 12/2021. Theo chương trình nghị sự, ông sẽ hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Narendra Modi tại thủ đô New Delhi và thăm thành phố Bengaluru, thủ phủ của bang Karnataka, nơi được mệnh danh là “thung lũng Silicon của Ấn Độ”.
Điều đáng chú ý là chuyến thăm diễn ra ngay sau ngày kỷ niệm một năm Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine (ngày 24/2/2022). Theo báo Indian Express, sự hiện diện của người đứng đầu chính phủ Đức tại Ấn Độ vào dịp này là tín hiệu cho thấy New Delhi đóng một vai trò quan trọng trong tính toán chiến lược của Berlin.
Ba lĩnh vực tiềm năng và FTA
Trong bài viết đăng trên Financial Times, cựu Đại sứ Ấn Độ Narinder Chauhan cho biết, mục đích của chuyến thăm là mở rộng hợp tác tổng thể trong các lĩnh vực thương mại, quốc phòng, năng lượng sạch và biến đổi khí hậu.
Trước đó, hai Thủ tướng đã gặp nhau tại Bali, Indonesia vào tháng 11 năm ngoái trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20. Ông Modi từng đến Berlin vào tháng 5/2022, tham dự cuộc tham vấn liên chính phủ (IGC) Ấn Độ-Đức lần thứ 6 và một tháng sau, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại bang Bayern với tư cách là một quốc gia đối tác. Đặc biệt, tại IGC, hai bên đã ký kết tổng cộng 14 thỏa thuận về đối tác xanh, hợp tác phát triển, năng lượng tái tạo, di cư...
Hôm 13/2, Cố vấn Chính sách an ninh và đối ngoại Đức, Tiến sĩ Jens Plötner đã có các cuộc gặp với Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar tại New Delhi. Ngoài nội dung chuẩn bị cho chuyến thăm, hai bên đã thảo luận nhiều nội dung liên quan hợp tác song phương, tình hình Afghanistan, xung đột Nga-Ukraine…
Theo ông Jens Plötner, biến đổi khí hậu, tiềm năng kinh tế và địa chính trị là ba lĩnh vực tiềm năng lớn trong tổng thể hợp tác đa dạng giữa hai nước.
Đức là nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), do đó, bà Narinder Chauhan đánh giá, đàm phán giữa Ấn Độ với EU về FTA sẽ được ưu tiên trong chương trình nghị sự của chuyến thăm. Khi phát biểu tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2023, Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh rằng ông sẽ hết sức nỗ lực để đảm bảo một FTA với Ấn Độ.
Các cuộc đàm phán đã được khởi động lại vào năm ngoái. Hai bên vẫn còn gặp thách thức trong việc giải quyết những khác biệt liên quan đến thuế quan đối với một số hàng hóa và sự di chuyển của các chuyên gia. Bên cạnh việc giảm thuế đối với rượu vang, rượu mạnh và các sản phẩm từ sữa và chế độ sở hữu trí tuệ mạnh mẽ, EU tìm cách cắt giảm thuế đáng kể đối với ô tô mà Đức có lợi ích trực tiếp.
"Chuyến thăm sẽ cho phép cả hai bên đánh giá tiến triển trong các kết quả chính của IGC lần thứ 6, tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, hướng tới mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, tăng cường cơ hội di chuyển nhân tài và đưa ra hướng dẫn chiến lược cho hợp tác khoa học và công nghệ". (Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ngày 20/2) |
Tìm kiếm tiếng nói chung
Ấn Độ và Đức có quan điểm đồng thuận về nhiều vấn đề toàn cầu, nhất là về việc mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; hai nước hỗ trợ lẫn nhau trong khuôn khổ G4 (cùng với Nhật Bản và Brazil) và cuộc họp gần đây của nhóm này được tổ chức ở cấp ngoại trưởng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 77 vào tháng 9/2022.
Ngoài cải cách các thể chế tài chính quốc tế, các Mục tiêu phát triển bền vững, đại dịch, suy thoái toàn cầu, khủng hoảng lương thực và năng lượng, và biến đổi khí hậu, Nga sẽ là một trong những vấn đề “khó nhằn” nhất.
Theo bà Narinder Chauhan, Ấn Độ nhìn nhận cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm thay đổi nước Đức như thế nào. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã đảo ngược các trụ cột chính sách đối nội và đối ngoại của Berlin.
Ở cấp độ toàn cầu, chính sách đối ngoại của quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu đang gặp thách thức. Đức vốn có chính sách đối thoại với Nga và Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, nhưng giờ đây, hai nước này được coi là đối thủ chính của trật tự tự do phương Tây. Do đó, nhà ngoại giao Ấn Độ nhận định, Đức phải suy nghĩ lại toàn bộ mô hình quan hệ kinh tế và đối ngoại của mình.
Trong khi đó, Berlin cho rằng New Delhi duy trì quan hệ tốt với tất cả các bên và điều này có thể hữu ích trong cuộc xung đột Ukraine.
Về khả năng đóng vai trò trung gian hòa giải của Ấn Độ trong cuộc xung đột vừa bước sang năm thứ hai, ông Plötner bày tỏ “rất ngưỡng mộ chính sách ngoại giao của Ấn Độ” và khẳng định tiếng nói của New Delhi "được lắng nghe” ở Moscow, và điều đó rất quan trọng.
Đánh giá cao việc hai nước có tiếng nói chung trong cách thức tổ chức các mối quan hệ quốc tế, người đứng đầu cơ quan an ninh Đức nhận xét, “chúng tôi rất thích làm việc với Ấn Độ và coi đó là nền tảng cho sự tham gia của Đức trên toàn thế giới”.
Trong năm 2022, Thủ tướng Narendra Modi thực hiện hai chuyến công du Đức trong hơn một tháng. Chưa đầy một năm sau, Thủ tướng Olaf Scholz trở thành khách quý của New Delhi.
Nỗ lực "kết thân" của Đức không vô cớ trong bối cảnh nước này "rối bời" với cuộc xung đột Nga-Ukraine trong khi theo đuổi chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà quốc gia 1,4 tỷ dân đóng vai trò không thể thiếu.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 28/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhắc lại bình luận của Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar liên quan đến "tư duy châu Âu". “Câu nói này của Ngoại trưởng Ấn Độ được đưa vào Báo cáo An ninh Munich năm nay và ông ấy có lý”, ông Scholz nói. Tại một sự kiện ở Slovakia vào tháng 6 năm ngoái, ông Jaishankar chỉ trích gay gắt "tư duy châu Âu", nhấn mạnh rằng châu Âu phải "thoát khỏi suy nghĩ rằng các vấn đề của châu Âu là vấn đề của thế giới, nhưng các vấn đề của thế giới không phải là vấn đề của châu Âu". |