'Cha đẻ' của các điệp viên anh hùng thế hệ mới
Quốc phòng - An ninh - Ngày đăng : 06:22, 21/02/2023
"Từ năm 1981 - 1989, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, toàn đội đã mưu trí, dũng cảm nhận và hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ. Trong thời gian đó, toàn đội đã thực hiện hơn 100 vụ tìm, đánh bắt đối tượng tình báo, điệp viên của Khmer Đỏ; làm tan rã hệ thống mạng lưới tình báo mà Khmer Đỏ cài cắm tại Campuchia với mục đích móc nối, chống phá cách mạng Việt Nam tại địa bàn các tỉnh phía nam. Qua đó, đã nắm chắc âm mưu, ý đồ của Khmer Đỏ đối với cách mạng Việt Nam và chính quyền cách mạng Campuchia, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, quân đội và ngành tình báo để ta có nhiều sách lược, chiến lược mới trong xử lý vấn đề Campuchia. Các tin tức thu được của địch là cơ sở để Bộ Tư lệnh 719 Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia tổ chức lực lượng tổng tiến công truy quét thành công hang ổ của chế độ Pol Pot - Ieng Xary và tàn quân Pol Pot trong các chiến dịch mùa khô 1983 - 1985, các chiến dịch mùa khô 1987 - 1988; giúp Campuchia củng cố, xây dựng chính quyền vững mạnh, đủ sức bảo vệ đất nước; bảo vệ cho Quân tình nguyện Việt Nam rút về nước an toàn. Đồng thời tham mưu cho Bộ Tư lệnh tiền phương Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục tổ chức các lực lượng khác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp bạn sau này…".
Ông Ba Quốc (ngoài cùng bên phải) và đại tướng Lê Đức Anh |
Cái đội lừng lẫy ấy ban đầu không có tên với 5 người, sau 2 năm mới chính thức có tên gọi là "Đội Z" với quân số 41. Cán bộ, chiến sĩ trong đội đều do ông Ba Quốc chọn. Đó là những chiến sĩ cực kỳ trung thành, gan dạ, liều lĩnh, thông minh, mưu trí và rất giỏi hành động độc lập, phần lớn là người miền Tây Nam bộ có gia đình hoạt động cách mạng bị địch truy đuổi sang Campuchia từ những năm 1950, 1960. Họ sinh ra tại đây và sống lang bạt trong nghèo khó, không có cơ hội được học hành đầy đủ. Đội trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn (Tư Ẩn) từng đi bới rác để kiếm sống ở Phnom Penh.
Họ rất ngang tàng, không sợ trời, không sợ đất, "chỉ sợ mỗi ông Ba". Người chỉ huy trực tiếp duy nhất của đội cũng là ông Ba. Sau này có một người thứ hai có thể thay mặt ông Ba chỉ huy họ, đó là Nguyễn Chí Vịnh. Tướng Vịnh khiêm tốn kể: "Đó là vì ông Ba dặn họ: Các cậu phải nghe cậu Vịnh trong bất cứ chuyện gì". Những lời khiêm tốn đó bàng bạc trong cuốn sách mà tướng Vịnh viết về "Người Thầy" suốt đời của mình. Cũng như ông Ba Quốc, khi trở thành một tướng lãnh cấp cao của quân đội, ông Vịnh bao giờ cũng đề cao công lao của cấp dưới, của đồng đội, không nói về công lao của bản thân mình.
Tướng Vịnh kể hồi mới đến đơn vị, ông ngạc nhiên khi thỉnh thoảng thấy một nhóm người không mặc quân phục đến gặp ông Ba, họ chỉ gặp riêng ông Ba thôi. Hồi đó xe máy không có, xe đạp thì hai người dùng một chiếc, quân đội nghiêm cấm sử dụng tài sản của người dân Campuchia nhưng nhóm người này đi toàn xe máy xịn, riêng Tư Ẩn thì lái Mercedes dân sự. Một thời gian sau mới biết đây là Đội Z. Và cứ mỗi lần Tư Ẩn xuất hiện ở đơn vị là bắt đầu một chiến dịch.
Chiến công "thót tim" của Tư Ẩn
Trong những chiến dịch của Đội Z, ông Vịnh nhớ một sự kiện. Khi ấy có một tên địch nguy hiểm tên Mac, là cán bộ trung ương Khmer Đỏ thâm nhập vào Phnom Penh. Tướng Lê Đức Anh gọi ông Ba Quốc lên bảo: "Phải bắt cho được tên này".
Lúc đó, lực lượng Quân tình nguyện ta đồn trú ở Phnom Penh cùng công an, quân cảnh và tình báo bạn đều tập trung truy tìm tên Mac. Đội Z cũng tìm ra dấu vết. Tư Ẩn báo cáo với ông Ba: "Cháu tìm thấy dấu vết thằng Mac rồi". Ông Ba Quốc dặn Tư Ẩn: "Bây giờ thằng Mac là đối tượng không chỉ ta truy bắt mà còn là đối tượng của quân đội và công an bạn. Bất kỳ ai dính đến nó thì người ta có quyền bắn. Các cậu phải đặc biệt thận trọng".
Ảnh thời trẻ của đại tá Nguyễn Ngọc Ẩn (Tư Ẩn), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân |
Một hôm, một chiến sĩ Đội Z hốt hoảng chạy đến báo ông Ba: "Anh Tư bắt được Mac rồi". Khi biết Tư Ẩn bắt thằng Mac ở ngoại ô Tual Kốc, đang trên đường đưa về, ông Ba Quốc rất lo lắng: "Thế này họ bắn thằng Ẩn mất". Nhưng khoảng 30 phút sau, Tư Ẩn lái chiếc xe lôi lao vào cửa, hò hét để bảo vệ mở cửa thật nhanh. Ông Ba Quốc bồn chồn chạy ra, rất hiếm khi ông bồn chồn như vậy. Tư Ẩn phanh xe, rút khẩu AK báng gấp giấu dưới ván xe, đập vỡ cái chum trên xe lôi, bên trong là một người nằm thu lu, báo với ông Ba Quốc: "Chú Ba, thằng Mac đây".
Ấy là Tư Ẩn bắt được thằng Mac nhưng biết là mang về không thoát (vì có thể bị quân đội và công an bạn bắn lầm), nên cùng với một đồng đội trói chặt Mac rồi bịt miệng bịt mắt hắn. Đang không biết làm sao đưa về thì thấy một cái xe lôi đi qua, Tư Ẩn rút súng ra lệnh cho xe lôi dừng lại, có bao nhiêu tiền đưa hết cho chủ xe, rồi đặt gọn tên Mac vào cái chum trên xe lái chạy an toàn.
Những chuyện ly kỳ như thế còn rất nhiều. Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói mỗi chuyện đều có thể dựng thành phim. Và ước có thời gian để viết một cuốn sách về Tư Ẩn.
Cũng như ông Ba Quốc, khi trở thành một tướng lãnh cấp cao của quân đội, ông Vịnh bao giờ cũng đề cao công lao của cấp dưới, của đồng đội, không nói về công lao của bản thân mình.
Sau khi làm xong nhiệm vụ quốc tế, người anh hùng Tư Ẩn "rửa tay gác súng" về làm vườn ở Bình Phước. Vào năm 2005, Quân đội tổ chức Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc, Tư Ẩn được mời dự. Nhưng ông gọi điện cho tướng Vịnh: "Thôi tôi khỏi đi, anh Năm xem có tiền ăn ở đi lại gì thì đưa cho tôi, các anh đỡ mất công tiếp đón". Vậy là đơn vị cấp số kinh phí đó cho Tư Ẩn, ông mời cả đội đi nhậu một bữa thật vui vẻ.
Từ sau những năm 1990, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong nội địa và ở các khu vực biên giới trọng điểm, tài năng và kinh nghiệm của ông Ba Quốc lại một lần nữa được thể hiện. Đó là sự ra đời của Đội Đặc nhiệm K, sau đó đổi tên thành Đoàn Đặc nhiệm của Tổng cục II. Lúc đó tướng Nguyễn Chí Vịnh đã làm Cục phó Cục 12, được bổ nhiệm kiêm Đoàn trưởng.
Chỉ sau 3 năm, Đoàn Đặc nhiệm K cũng được phong danh hiệu anh hùng vì những chiến công đặc biệt. Tướng Vịnh kể Đoàn K cũng chính là sản phẩm độc đáo của ông Ba Quốc, là "đặc sản" riêng của ông.
Đó là công lao đặc biệt của ông Ba trên chiến trường Campuchia và trong chiến tranh bảo vệ biên giới. Nhưng công lao của ông Ba Quốc không chỉ có vậy.
(còn tiếp)