"Nâng tầm" lúa gạo Krông Nô
Nghị quyết và cuộc sống - Ngày đăng : 11:17, 20/02/2023
Hiện nay, cánh đồng Buôn Choáh, xã Buôn Choáh là cánh đồng sản xuất lúa nước lớn nhất tỉnh với gần 700 ha. Nhiều giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất như ST24, ST25. Tháng 1/2021, UBND tỉnh Đắk Nông công nhận vùng sản xuất lúa Buôn Choáh là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh.
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông thăm quy trình chế biến lúa gạo tại Hợp tác xã Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh |
Theo người dân, việc sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP được thực hiện nhiều năm nay và rất thuận lợi khi bán sản phẩm ra thị trường. Ông Nguyễn Sỹ Tiến, thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh cho biết: “Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con thực hiện sản xuất lúa theo Chương trình VietGAP, nhất là chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào gieo trồng. Nhờ đó, lúa làm ra đến đâu bán hết đến đấy. Nhiều khi chỉ sau 2 tháng thu hoạch là không còn lúa để bán nữa. Như vụ hè thu vừa qua, bình quân 1 ha thu hoạch 10 tấn lúa tươi, còn vụ đông xuân đạt 13 tấn lúa tươi/ha. Lúa năng suất, giá cao, đầu ra ổn định nên bà con ai cũng rất phấn khởi”.
Huyện Krông Nô đã xây dựng được nhãn hiệu "Lúa gạo Buôn Choáh". Ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ người dân, hợp tác xã đầu tư dây chuyền sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm gạo Buôn Choáh, xúc tiến thương mại. Hiện tại, xã Buôn Choáh có 2 hợp tác xã trồng lúa đang hoạt động hiệu quả, có các sản phẩm đạt các chứng nhận OCOP hạng 3 hoặc 4 sao. Sản phẩm gạo Buôn Choáh Krông Nô đã tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart và OCOP.
Ông Đinh Đăng Linh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh cho biết: “Hợp tác xã chủ yếu ký liên kết để người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, đơn vị đang chủ trương muốn mở rộng, ký hợp tác sản xuất hết cánh đồng này khoảng 700ha, đồng thời tiến ra thị trường tiêu thụ sản phẩm ra ngoài tỉnh”.
Người dân xã Buôn Choáh áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng |
Tuy có thương hiệu nhưng tiềm lực của các hợp tác xã, cơ sở sản xuất lúa gạo trên địa bàn huyện còn hạn chế. Hằng năm, nông dân chỉ giữ lại được khoảng 1/3 sản lượng lúa sau thu hoạch, số còn lại thương lái đưa về các tỉnh miền Tây chế biến, gắn các nhãn mác khác làm mất thương hiệu gạo Buôn Choáh. Mặt khác, sản lượng lúa gạo của địa phương không thể đáp ứng cho nhà máy công suất lớn, nên việc kêu gọi, thu hút nhà đầu tư đến khảo sát, đặt nhà máy chế biến quy mô gặp nhiều khó khăn.
Sau khi nắm bắt thực tế sản xuất lúa gạo, cùng với đánh giá cao tiềm năng, chất lượng sản phẩm lúa gạo Buôn Choáh, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu, "nâng tầm" lúa gạo Buôn Choáh là cần thiết. Do đó, cùng với việc kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy thì huyện Krông Nô và các ngành chức năng của tỉnh cần tính toán kết nối với các địa phương lân cận để bảo đảm nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy.
“Huyện cần tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp vào đây làm nhà máy, không phải mình làm cho khu vực mình mà làm cho cả những huyện xung quanh đây, kể cả tỉnh bạn Đắk Lắk”, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh.