Chính sách

Triển khai Nghị định số 99 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm

Mỹ Hằng 16/02/2023 16:00

Ngày 16/2, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định số 99).

Nghị định số 99, gồm 5 chương, 58 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2023. Nghị định số 99 thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định số 99 cơ bản vẫn giữ một số nội dung của Nghị định số 102, đồng thời bổ sung một số nội dung mới phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Theo đó, Nghị định số 99 quy định rõ nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin; hiệu lực của đăng ký; cơ quan đăng ký, cung cấp thông tin; trình tự, thủ tục chung về đăng ký biện pháp bảo đảm và trình tự, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm đối với từng loại tài sản; quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định số 99 áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm; quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.

hinh1(2).jpg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông.

Nghị định số 99 ra đời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ chính quy định của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017.

Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành đã trình bày các tham luận như triển khai một số quy định về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Nghị định số 99; tác động của Nghị định 99 đối với hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tại các tổ chức tín dụng…

Mỹ Hằng