Nữ thợ may "mát tay" ở Ðắk Song

Kinh tế - Ngày đăng : 12:13, 16/02/2023

Công việc may mặc giúp chị Nguyễn Thị Hoài Phương, tổ dân phố 6, thị trấn Đức An (Đắk Song) có thu nhập từ 40-60 triệu đồng/tháng. Chị còn tạo việc làm cho nhiều người ở địa phương.

Chị Phương cho biết, chị có duyên gắn bó với nghề thợ may. Năm 14 tuổi (học lớp 7), chị được tiếp cận với kỹ thuật may đo từ người thân trong gia đình, nên rất thích thú.

Sau này, chị nghỉ học phổ thông giữa chừng và theo đuổi nghề thợ may. Khi ấy, ở đâu có tiệm may đẹp là chị đến học. "Khi tay nghề nâng cao, tôi mở tiệm để phát triển kinh tế gia đình", chị Phương chia sẻ.

Theo chị Phương, nghề may thủ công gặp nhiều khó khăn. Trong đó, thị trường thời trang công nghiệp phát triển ngày càng mạnh, khiến nhiều thợ may phải bỏ nghề.

Chị Phương luôn trau dồi nghề may để tạo ra sản phẩm đẹp cho khách hàng

Thế nhưng, với sự năng động, nhạy bén và có khiếu thẩm mỹ, nên tiệm may của chị luôn được nhiều khách hàng biết đến và lựa chọn để may trang phục.

“Tôi luôn cố gắng học hỏi để nâng cao tay nghề. Hàng năm, ngoài việc tham gia nhiều lớp nâng cao tay nghề, tôi còn cập nhật các mẫu mới, chất liệu vải mới để đáp ứng yêu cầu của khách hàng”, chị Phương chia sẻ.

Nhờ chăm chỉ học hỏi, nên chị biết may từ quần áo thể thao, áo sơ mi đến vest, váy các kiểu, áo dài… “Để tồn tại và phát triển được nghề may, ngoài việc chăm chỉ, cần phải có đam mê và sáng tạo để tạo thương hiệu riêng cho mình", chị Phương cho biết.

Chị Phương tạo việc làm cho nhiều lao động

Chị phương cho hay, nhiều người không thích mua quần, áo, váy… may sẵn tại chợ hoặc các shop là bởi họ có gu thời trang riêng. Họ đến các tiệm may, đo theo ý mình.

"Ở đây, họ được tư vấn để mặc đẹp hơn. Đây cũng chính là cơ hội để những thợ may như tôi tồn tại được với nghề”, chị Phượng chia sẻ.

Nắm bắt xu hướng nhu cầu đồng phục ngày càng nhiều, nên chị Phương đầu tư máy móc, trang thiết bị để thuận lợi phục vụ cho khách hàng.

“Hầu hết các trường học, câu lạc bộ, nhà hàng, hội, nhóm đều muốn có đồng phục riêng. Vì thế, tôi đầu tư máy cắt, máy may, máy in, thiết kế các logo để phục vụ cho may đồng phục, đáp ứng khách hàng”.

Tiệm may của chị Phương được nhiều trường học, tập thể chọn đặt may đồng phục

Theo đánh giá của Hội LHPN huyện Đắk Song, bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, chị Phương còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Thường ngày, tiệm may của chị có từ 8 -10 thợ may với thu nhập mỗi tháng trên 8 triệu đồng/người. Những thời điểm như vào năm học mới, dịp lễ, tết, chị Phương phải thuê thêm thợ ráp đồ.

Tiền công được chị Phương trả cho thợ theo sản phẩm. Đa số thợ may tranh thủ thời gian nông nhàn để cắt, ráp đồ, kiếm thêm thu nhập.

Theo chia sẻ của những thợ may, mỗi ngày họ có thể ráp hơn 100  áo, quần thông thường với thu nhập trên 1 triệu đồng. Đối với áo dài, vest đòi hỏi kỹ thuật cao, nên được chị Phương trả công cao hơn so với các sản phẩm khác.

Thanh Nga