Mua sắm tinh tế để Tết sum vầy
Kinh tế - Ngày đăng : 15:30, 24/01/2023
Lên kế hoạch chi tiết
Những năm trước đây, hầu như gia đình nào cũng đến cận Tết mới đi mua sắm. Còn bây giờ, điều kiện khá giả hơn một chút, cái Tết được các gia đình chuẩn bị kỹ lưỡng, chu toàn hơn. Nhiều gia đình còn lên kế hoạch cụ thể từng mua sắm, chi tiêu để đón cái Tết đủ đầy.
Theo chị Nguyễn Thị Hoài Thu, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa), trước khi đón Tết tầm 1 tháng, chị đã tự lên kế hoạch chuẩn bị cho gia đình. Từ mua sắm, dọn dẹp đến các khoản chi tiêu đều được chị lên kế hoạch cụ thể.
Trước tiên, chị vạch ra hàng loạt các đồ dùng thiết yếu, phân chia theo nhóm và thời gian cụ thể đi mua sắm luôn. Đối với những vật dụng cần thiết, chị có kế hoạch nên mua ở đâu cho đẹp, ngon, tiết kiệm.
“Nếu không có kế hoạch chi tiết, hợp lý sẽ dễ “vung tay quá trán”. Chưa kể, nếu sát Tết quá, giá cả các mặt hàng tăng cao, nhiều lúc không mua được những món đồ cần thiết”, chị Thu cho hay.
Việc lên kế hoạch chi tiết để đón Tết cũng được gia đình bà Lê Thị Minh áp dụng từ nhiều năm nay. Theo bà Minh, chuẩn bị Tết sớm bằng việc chủ động lên kế hoạch có nhiều thuận lợi.
Khi mình có thời gian sẽ liệt kê đầy đủ những thứ gia đình cần mua sắm trong dịp Tết. Số tiền, mức giá phục vụ chi tiêu sẽ rõ ràng hơn. Trường hợp, tài chính vượt quá khả năng, mình có thể cân nhắc, lựa bỏ bớt một số vật phẩm chưa cần thiết.
“Sắm Tết sớm còn có thời gian tham khảo ý kiến các thành viên trong gia đình. Điều này vừa giúp tình cảm thêm khăng khít, tạo nên không khí Tết đầm ấm, tươi vui hơn”, bà Minh cho biết.
Nhiều gia đình lên kế hoạch đi sắm Tết sớm để có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn |
Tự làm những thứ có thể
Ngày nay, các thực phẩm cần thiết ngày Tết như: giò chả, bánh chưng, mứt… đều được làm sẵn. Các gia đình có thể ghé chợ, quán thực phẩm mua về dùng. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn lựa chọn cách tự làm để ngày Tết thêm phần ý nghĩa.
Gia đình anh Nguyễn Mạnh Quân, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) năm nào cũng tự gói cả mấy chục bánh chưng, bánh tét để dùng, biếu người thân.
“Bây giờ đặt mua bánh ngoài chợ cũng nhiều. Riêng gia đình tôi vẫn giữ truyền thống gói bánh. Những ngày cận Tết, các thành viên trong gia đình lại quây quần cùng nhau gói bánh. Đây là hoạt động ý nghĩa, gắn kết với nhau”, anh Quân chia sẻ.
Gia đình chị Lê Thị Thảo, tổ dân phố 2, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) năm nào cũng trang hoàng tổ ấm từ rất sớm. Theo chị Thảo, hiện nay, các dịch vụ này được phổ biến. Mình chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là xong.
Tuy nhiên, ngôi nhà của mình gắn bó, mỗi năm trang hoàng thêm một tý để không khí Tết rộn ràng hơn. Do vậy, nếu không quá bận rộn, các thành viên trong gia đình tự tay làm để có nhiều thời gian bên nhau.
“Khi tự tay các thành viên trong gia đình dọn dẹp, trang trí thấy ý nghĩa vô cùng. Hơn nữa, gia đình mình tự làm sẽ đúng theo ý mình hơn, vừa tiết kiệm được chi phí thuê dọn dẹp để mua sắm những vật dụng thiết yếu khác”, chị Thảo cho biết.
Như vậy, sau một năm đầy biến động, Tết là dịp để sum vầy, quây quần bên gia đình, tình thân. Việc lựa chọn, chủ động chuẩn bị những thứ cần thiết cho cái Tết theo hướng hiệu quả, tiết kiệm sẽ gúp nhiều gia đình đón năm mới vui vẻ, ấm áp.