Người đàn ông chuẩn bị 1.000 gốc hoa giấy cho thị trường Tết

Kinh tế - Ngày đăng : 17:07, 11/01/2023

Nắm bắt nhu cầu thị trường hoa Tết Nguyên đán, ông Trần Công Ba, tổ 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) đã trồng hơn 1.000 chậu hoa giấy phục vụ người tiêu dùng. Cách làm này đã giúp ông kiếm được nguồn thu nhập cao từ dịp Tết.

Cách đây 2 năm, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến ông Ba “buồn chân buồn tay”, nên nảy ra ý định trồng hoa giấy. Ông đầu tư mua cây giống, biến vườn cà phê già cỗi hơn 600m2 giữa khu dân cư thành vườn hoa.

Xuất thân từ nông dân, hầu hết các loại cây trồng ông đều ít nhiều biết tới, nên quy trình chăm sóc hoa giấy cũng không có gì làm khó ông. Thời gian rảnh rỗi, ông lại lên mạng mày mò học các kỹ thuật kích hoa, cách tạo dáng cho cây. Sau 2 năm gây dựng, ông đã có vườn hoa giấy với hơn 1.000 chậu.

Vườn hoa giấy của ông Ba có khoảng 20 loại

Ông Ba cho biết, so với nhiều loại cây trồng khác, hoa giấy rất dễ chăm sóc. Chỉ cần tưới nước, bón phân, dọn cỏ là cây phát triển nhanh, tươi tốt. Khi cây còn nhỏ, cần quan tâm chăm sóc nhiều hơn một chút.

Ngoài ra, phải canh thời điểm thay chậu để cây tập trung phát triển vào bộ rễ. Rễ càng đẹp cây hoa càng đẹp bán được giá. Khi rễ bám được xuống đất thì không còn phải tưới nước thường xuyên.

Hoa giấy hầu như không bị sâu bệnh, nên người trồng tốn ít công. Đối với những loại hoa kiểng như hoa giấy, giá cả tỷ lệ thuận với số tuổi của cây, nên chăm bao nhiêu năm bán cũng được.

Mỗi cây hoa được ông tạo mỗi thế, dáng khác nhau

Cũng theo ông Ba, hoa giấy là loại cây dễ tính, dễ chăm sóc, chỉ bằng kỹ thuật cắt nước, người trồng dễ dàng kích cho cây ra hoa vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Tuy nhiên, muốn có cây hoa giấy giá trị cao thì phải có thế gốc, dáng, rễ đẹp. Chính vì thế, người trồng hoa giấy phải mày mò chỉnh sửa, tạo thế. Điều này lại đòi hỏi người làm vườn phải có tay nghề cao, kỹ thuật tốt và tỉ mỉ.

Muốn có hoa giấy đẹp, nở trong dịp Tết, song song với việc cắt tỉa cành, tạo tán, phải ngắt nước đúng thời điểm. Thời gian tiến hành tùy thuộc thời tiết trong từng năm, từng thời điểm ấm hay lạnh và sức sinh trưởng của cây để cắt nước cho hợp lý.

Thế bon sai được ông chú trọng vì nhiều khách hàng ưa thích

Bên cạnh đó, người trồng cần phải bón phân cho cây đúng liều lượng để cây phát triển và hoàn thiện bộ lá. Nụ hoa giấy bắt đầu nhú lên thì chuyển sang bón phân có hàm lượng lân và kali cao để kích thích hoa phát triển, nở đúng dịp.

Để đáp ứng thị hiếu của người chơi hoa trong dịp Tết, ông Ba đã học hỏi kỹ thuật tạo cho bông giấy nở đúng các dịp. Hoa giữ được độ bền lâu, ghép nhiều loại hoa trên cùng một cây.

Vườn hoa giấy của ông Ba hiện có hơn 20 loại khác nhau, màu sắc đa dạng từ hồng, đỏ, cam, vàng, trắng, tím, ngũ sắc, từ lá thường đến lá cẩm thạch, dáng bonsai…

Vườn hoa giấy khoe sắc chuẩn bị cho thị trường Tết

Ông Ba đang chuẩn bị xuất bán gần 1.000 gốc hoa giấy đủ kích cỡ, màu sắc vào dịp Tết Nguyên đán 2023. Tùy theo gốc lớn, nhỏ, đẹp, tuổi cây mà giá bán khác nhau.

Ông Ba chia sẻ, quan niệm của nhiều người chơi cây kiểng, hoa giấy được xem là loại cây đại phát lộc, rất phù hợp để chưng vào dịp Tết. Vì hoa giấy hầu như có hoa quanh năm, nhiều màu sắc và dễ chăm sóc.

Hưng Nguyên