Doanh nghiệp Ðắk Nông bắt nhịp sản xuất mới
Kinh tế - Ngày đăng : 16:17, 10/02/2023
Tìm cơ hội phát triển
Những năm qua, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) chuyên chế biến các loại trái cây xuất khẩu. Năm vừa qua, Công ty gặp không ít khó khăn, chật vật trong hoạt động.
Bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty cho biết, đầu năm, hoạt động sản xuất của Công ty bị gián đoạn, bởi tình hình dịch bệnh và chiến sự trên thế giới diễn ra căng thẳng.
Các đơn hàng sản xuất của Công ty vì thế bị giảm xuống. Trong khi đó, nguyên liệu chế biến của Công ty thiếu hụt, do các doanh nghiệp cùng ngành tập trung thu gom và xuất trái tươi đi rất nhiều.
Khởi đầu năm 2023 này, nông sản được giá, nên bà con đang phấn khởi tăng thêm diện tích sản xuất. Tuy nhiên, diện tích sầu riêng phải mất 3-4 năm mới bắt đầu cho thu hoạch, nên sản lượng chưa có liền.
Sản lượng chanh dây xuất khẩu thấp, nhưng giá đang tăng cao |
Đối với cây chanh dây có tăng về diện tích, nhưng không đủ về năng suất, sản lượng do giống chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, Công ty dự báo còn những khó khăn về nguồn nguyên liệu.
Về thị trường, bà Vân cho biết, với những thị trường cũ của Công ty, khách hàng xuống đơn chậm và còn cân nhắc về giá. Vì vậy, thị trường cũng dự báo gặp nhiều khó khăn.
Công ty đang tìm tới những thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông. Doanh nghiệp cũng tính toán sản xuất những sản phẩm mới như: tiêu, mít cấp đông… nhằm đa dạng các dòng sản phẩm xuất khẩu.
Giải pháp này sẽ giúp cho Công ty cạnh tranh tốt hơn khi thị trường ngày càng có nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề gia nhập. Việc chủ động sớm cũng là phương án tốt để Công ty cầm cự và vượt qua giai đoạn khó khăn, chờ cơ hội phát triển.
Mít cấp đông - sản phẩm mới của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) đang tiếp cận thị trường Ấn Độ |
Tương tự, đối với ngành sản xuất, chế biến ca cao, năm 2023, Công ty TNHH Cà phê Hương Quê Đắk Nông (Đắk Mil) cũng đang chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường cho sản phẩm hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty cho hay: “Năm 2022 khép lại với nhiều hội nghị kết nối cung-cầu trong và ngoài tỉnh được doanh nghiệp trực tiếp tham gia. Nhiều bản ghi nhớ hợp tác với các hệ thống tiêu thụ lớn trong nước đã được ký kết. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tự tin đưa sản phẩm vươn xa trong năm tới”.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, trong năm nay, Công ty đã đầu tư thay đổi bao bì đóng gói cho sản phẩm theo hướng tiện ích. Trong năm 2023, đơn vị sẽ đầu tư thêm một số máy móc công nghệ mới để tăng năng suất, giảm bớt áp lực thiếu hụt lao động. Qua đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm ca cao và sô cô la, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Nhận định những khó khăn trong năm 2023 vẫn còn hiện hữu, các cấp, ngành liên quan của tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp trước khi bước vào mùa sản xuất mới.
Ông Ngô Tùng Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, trong năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp cần nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức, khó khăn.
Từ đó, các doanh nghiệp có các kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt các giải pháp thúc đẩy sản xuất ngay từ bây giờ. Hiệp hội sẽ tiếp tục là cầu nối để phản ánh ý kiến của doanh nghiệp tới các cấp, ngành để có hướng tháo gỡ càng sớm càng tốt.
Hội nghị kết nối cung, cầu là một trong những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp Đắk Nông |
Ngành Công thương đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh cho các nhà máy sản xuất hiện có của tỉnh. Trong đó, công nghiệp chế biến sâu đang là hướng đi được ngành đặc biệt quan tâm hỗ trợ.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Út cho biết, hiện nay, công nghiệp chế biến còn dư địa rất lớn đối với các sản phẩm nông, lâm nghiệp của Đắk Nông. Ngành sẽ khai thác triệt để chính sách khuyến công để hỗ trợ thiết bị máy móc cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Qua đó thúc đẩy chế biến sâu tại chỗ, tạo ra những sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, bảo đảm về mẫu mã, chất lượng tốt trước khi ra thị trường.
Được biết, trong 3 năm qua, từ nguồn vốn khuyến công, toàn tỉnh đã có 45 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ, với kinh phí lên tới khoảng 300 triệu đồng/đề án.
Hiện ngành Công thương và Nông nghiệp đang phối hợp nghiên cứu hình thành những vùng trồng chuyên canh tập trung, có quỹ đất rộng để thu hút các nhà đầu tư lớn vào phát triển sản xuất, chế biến. Sau đó sẽ thúc đẩy hoạt động liên doanh, liên kết trên địa bàn.
Ngành Công thương đang quan tâm tới vấn đề về các chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư cho công nghiệp chế biến sâu như: hỗ trợ về tài chính, thuế, đất đai, chính sách…
Theo các chuyên gia kinh tế, tình hình khó khăn chưa thể sớm vượt qua nên đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải chủ động thích ứng. Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh, theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, chuẩn bị các giải pháp linh hoạt để phòng ngừa những rủi ro.
Trong năm 2022, toàn tỉnh Ðắk Nông có 627 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 38,7% so với cùng kỳ; vốn đăng ký là 4.513 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ. Có 99 doanh nghiệp giải thể, tăng 88% so với cùng kỳ; 197 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 52% so với cùng kỳ. |