Giám sát chặt tàu hút cát hết đăng kiểm ở Krông Nô

Pháp luật - Ngày đăng : 16:00, 10/02/2023

Hơn 60% số tàu của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên sông Krông Nô hiện đã hết hạn đăng kiểm và buộc phải ngừng hoạt động. Cơ quan chức năng đang giám sát chặt chẽ các tàu này để bảo an toàn giao thông đường thủy.

Công ty TNHH Xuân Bình được cấp phép khai thác mỏ cát xây dựng xã Đắk Nang và Đức Xuyên (Krông Nô). Tổng chiều dài doanh nghiệp được cấp phép là 13km, diện tích 45ha. Thời hạn giấy phép được cấp kéo dài 20 năm, công suất 40.000m3/năm.

Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuân Bình Nguyễn Sỹ Trung, năm 2022, công suất khai thác của doanh nghiệp không đạt theo giấy phép.

Đầu năm 2022, Công ty buộc phải dừng hoạt động khai thác cát để khắc phục các vấn đề theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Nông. Khi khắc phục xong, Công ty bắt đầu khai thác lại thì gặp khó khăn vì nhiều tàu hết hạn đăng kiểm.

Các tàu hết đăng kiểm của Công ty TNHH Xuân Bình ngừng hoạt động, được neo vào bờ

Trong số 9 tàu đã đăng ký đăng kiểm của Công ty, chỉ có 1 tàu còn hạn. Còn 8 tàu đã hết hạn đăng kiểm không đủ điều kiện khai thác cát và đã được Công ty đưa lên bờ.

“Phần lớn tàu đã hết hạn đăng kiểm và đang chờ đăng kiểm lại. Nhanh nhất thì vào cuối quý I, đầu quý II/2022, chúng tôi mới có thêm 3 tàu đủ điều kiện hoạt động”, ông Trung chia sẻ.

Tương tự, Công ty TNHH Phú Bình hiện chỉ có 1/7 tàu còn hạn đăng kiểm. Hiện Công ty đang làm các thủ tục đăng kiểm cho 6 tàu còn lại, nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp.

Công ty được cấp phép khai thác tại mỏ cát xây dựng xã Nâm N’Đir. Tổng diện tích theo giấy phép là 12,9km, diện tích 45ha. Thời hạn giấy phép là 20 năm, công suất mỗi năm 20.000m3.

Hiện chỉ có 8/22 tàu khai thác cát trên sông Krông Nô, đoạn qua tỉnh Đắk Nông đủ điều kiện hoạt động

Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phú Bình, năm 2022, công suất khai thác của đơn vị chỉ đạt khoảng 40% giấy phép. Ngoài việc phần lớn tàu hết đăng kiểm, nguyên nhân chính khiến công suất giảm sâu là do gặp khó về đầu ra.

“Thị trường của chúng tôi chủ yếu là ở Đắk Mil và Cư Jút. Thời gian qua, giá cát từ phía Đắk Lắk đưa sang khá rẻ, nên doanh nghiệp gặp khó trong cạnh tranh”, ông Tĩnh cho hay.

Trên sông Krông Nô đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Ðắk Nông, có 7 doanh nghiệp đang được cấp phép khai thác cát, với tổng khối lượng là 182.000 m3/năm. Hiện có 1 doanh nghiệp được cấp phép với công suất 20.000m3/năm tại xã Buôn Choáh, nhưng chưa đưa mỏ vào hoạt động khai thác.

Năm 2022, do nguyên nhân khách quan, nên Công ty TNHH MTV Hải Khánh Ngân không hoạt động. Ngoài Công ty TNHH Xuân Bình và Công ty TNHH Phú Bình, có 3 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô. Mỗi doanh nghiệp có 2 tàu, đều còn đăng kiểm và đang hoạt động.

Sở TN-MT Đắk Nông xác định, trong số 6 doanh nghiệp khai thác cát đang hoạt động, có tổng số 22 tàu đã đăng ký, đăng kiểm. Hiện chỉ có 8/22 tàu khai thác cát trên sông Krông Nô còn hạn đăng kiểm và đủ điều kiện hoạt động.

Một số doanh nghiệp đưa tàu lên bờ để kiểm tra, đóng lại trước khi đưa đi đăng kiểm

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Võ Văn Minh, các tàu khai thác cát tại Đắk Nông hiện muốn hoạt động phải được đăng ký, đăng kiểm tại Chi cục Đăng kiểm số 5 (Khánh Hòa).

“Muốn đăng kiểm, các doanh nghiệp phải đưa tàu xuống Khánh Hòa. Trong khi đó, việc đăng kiểm tại Chi cục Đăng kiểm số 5 hiện được thực hiện rất nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn tàu biển nên nhiều tàu sẽ không đủ tiêu chuẩn”, ông Minh cho hay.

Giám đốc Sở GTVT Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản chia sẻ: Các doanh nghiệp khai thác cát cần phải nâng cao hơn nữa về an toàn giao thông đường thủy.

Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tàu hết đăng kiểm để bảo đảm hoạt động giao thông, khai thác cát trên sông được an toàn, đúng quy định.

Lê Phước