Hầu hết các nước trên thế giới áp dụng "vùng xanh" khi xử phạt nồng độ cồn
Công nghệ - Ngày đăng : 17:15, 09/02/2023
Nồng độ cồn trong máu (Blood Alcohol Content - BAC) hay nồng độ cồn trong hơi thở (Breath Alcohol Content - BrAC) là những tiêu chuẩn chung trên toàn cầu để xác định mức độ vi phạm của các lái xe. Mỗi quốc gia lại áp dụng BAC và/hoặc BrAC với mức giới hạn khác nhau. Phần lớn mức giới hạn với BAC được tính theo thể tích, một số ít nơi lại theo khối lượng, tương đương con số cao hơn khoảng 6% so với thể tích.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) có thống kê về giới hạn nồng độ cồn với tài xế của 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, cập nhật năm 2018. Trong đó, khoảng 20 nước (chiếm khoảng 10,5%) áp dụng mức giới hạn BAC là 0% (cứ có cồn là bị phạt). Điều này có nghĩa các tài xế hoàn toàn không được phép sử dụng đồ uống có cồn khi lái xe. Trong số này, phần lớn là những quốc gia Hồi giáo, những nơi thường cấm buôn bán và tiêu thụ rượu như Afghanistan, Iran, Maldives, Pakistan, Qatar, Saudi Arabia, UAE hay Yemen. Số ít còn lại là Brazil, Hungary, Paraguay, Romania, Slovakia, Uruguay và Việt Nam.
Không tính 30 nước không có thông tin, còn lại hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ giới hạn lớn hơn 0 (không phải cứ có cồn là bị phạt). Như vậy, có khoảng 72% quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng "vùng xanh" khi xử lý nồng độ cồn.
Trong 140 nơi này, thấp nhất là mức 0,02%, như Trung Quốc, Hà Lan (với tài xế sau 5 năm đầu tiên từ khi lấy bằng), Na Uy, Thụy Điển. Riêng Nga là 0,018%. Những nơi có "vùng xanh" lớn hơn, mức 0,03% gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile, Belarus, Bosnia & Herzegovina.
Phổ biến nhất là mức 0,05% với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, có thể kể đến Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Italy, Hong Kong, Đài Loan, Philippines, Thái Lan.
Cao hơn nữa là mức 0,08% và được áp dụng ở Anh, New Zealand, Mexico, Malaysia hay Singapore. Và nơi có giới hạn BAC cao nhất thế giới là quần đảo Cayman, với 0,1%.
Riêng ở Canada, có những quy định khác nhau cho những đối tượng khác nhau khi điều khiển các phương tiện giao thông. Mức 0% dành cho các tài xế mới lấy bằng, người dưới 22 tuổi (ở một số bang), trong khi mức 0,08% là quy định chung.
Còn ở Mỹ, mức 0,08% cũng là quy định chung ở phần lớn các bang, trừ Utah là 0,05%. Riêng tài xế dưới 21 tuổi bị giới hạn 0,02% hoặc ít hơn tùy bang, nhưng chủ yếu bị cấm hoàn toàn.
Với một số nơi, như Hong Kong, Hà Lan, Scotland hay Phần Lan, ngoài BAC, BrAC cũng được áp dụng với mức 0,22 g/lít khí thở. Một số nơi khác, giới hạn của BrAC cao hơn, như New Zealand (từ 0,25 g/lít khí thở), Singapore và Anh (0,35 g/lít khí thở).
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn cũng rất khác nhau. Ở Singapore, lái xe vi phạm lần đầu tiên đối mặt khoản tiền phạt ít nhất 1.500 USD và không vượt quá 7.500 USD, cũng như bị phạt tù tới 12 tháng. Người vi phạm từ lần thứ hai bị phạt tiền 3.700-15.000 USD và phạt tù không quá 2 năm.
Ở Nhật Bản, nếu nồng độ cồn trong máu của tài xế là 0,03%-0,04%, có thể chịu án tù đến 3 năm, hoặc tiền phạt khoảng 4.000 USD. Nếu quá 0,04%, người vi phạm đối mặt án tù đến 5 năm, hoặc tiền phạt 10.000 USD.
Tại Mỹ, với vi phạm lần đầu, tài xé bị phạt cao nhất 2.000 USD, bị tù đến 180 ngày, thu bằng lái tới một năm. Vi phạm lần thứ hai, tiền phạt đến 4.000 USD, tù giam một tháng đến một năm và bị thu bằng đến hai năm. Lần vi phạm thứ ba sẽ tăng mức tiền phạt đến 10.000 USD, tù từ 2-10 năm, và bị thu bằng đến 2 năm.
Đặc biệt, nếu say rượu lái xe mà chở theo trẻ em dưới 15 tuổi, ngoài những mức trên, tài xế Mỹ có thể đối mặt khoản tiền phạt thêm đến 10.000 USD, án tù đến 2 năm và bị giữ bằng lái thêm 180 ngày.