Thể thao thành tích cao - kỳ vọng chặng đường mới
Đời sống - Ngày đăng : 14:10, 01/02/2023
Gặt hái nhiều thành công
Theo ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, trước khi Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT được thành lập, thể thao Đắk Nông nhìn chung còn là “điểm trắng” trên bản đồ thể thao thành tích cao (TTTTC) của cả nước, thành tích tham gia các giải thể thao khu vực, toàn quốc hầu như chưa có gì. Thế nhưng sau đó, ngày cuối năm 2004, tại Giải vô địch Wushu toàn quốc, vận động viên (VĐV) Lê Hữu Phước đã vượt qua các đối thủ “nặng ký” và mang về tấm HCV đầu tiên cho tỉnh. Bắt đầu từ đây, thể thao Đắk Nông đã có những bước phát triển mang tính đột phá, từng bước khẳng định vị thế của mình.
Với tinh thần vượt khó, thể thao tỉnh Đắk Nông đã gặt hái được nhiều thành công tại các giải khu vực và toàn quốc. Số lượng VĐV tham gia các giải khu vực cũng như toàn quốc ngày càng tăng. Trung bình mỗi năm, đoàn VĐV Đắk Nông đạt 20-30 huy chương tại các giải khu vực và toàn quốc.
Ở các môn thế mạnh như võ cổ truyền, kickboxing, wushu, taekwondo… những VĐV kỳ cựu vẫn luôn duy trì phong độ đạt thành tích cao tại các giải thi đấu, đáp ứng sự kỳ vọng của ban huấn luyện và hoàn thành mục tiêu đề ra.
Để phát huy được năng lực, thế mạnh các môn TTTTC, các chính sách quan tâm, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cho ngành thể thao được ban hành. Hàng năm, từ nguồn ngân sách tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT đều được cấp kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động luyện tập. Đây là động lực tinh thần giúp các VĐV tự tin và cố gắng trong luyện tập và thi đấu.
Thể thao thành tích cao của Đắk Nông phát triển về lượng và chất |
Hiện tại, Đắk Nông đang tập trung đào tạo 6 môn thể thao trọng điểm, phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh gồm kickboxing, taekwondo, đua thuyền, điền kinh, võ cổ truyền và vovinam, với gần 40 VĐV có độ tuổi từ 14-25 tuổi. Nhiều vận động viên xuất sắc của tỉnh được triệu tập vào các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia, được phong tặng đẳng cấp kiện tướng, cấp 1 quốc gia góp phần nâng cao vị thế của thể thao tỉnh Đắk Nông.
Trong giai đoạn 2004-2010, Đắk Nông có 100 huy chương các loại. Chỉ tính riêng năm 2022, các đoàn VĐV tỉnh Đắk Nông tham gia 8 giải và đạt 14 huy chương (2 HCV, 3 HCB, 9 HCĐ). Tín hiệu vui trong sự gia tăng về thành tích, quy mô đào tạo, thể thao Đắk Nông có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất. Tỉnh Đắk Nông có 4 VĐV được đầu quân vào Đội tuyển quốc gia để luyện tập gồm: VĐV Vũ Trường Giang (võ cổ truyền), VĐV Vi Văn Duyệt (kickboxing), Lê Xuân Trường (taekwondo), Đặng Quỳnh Bích (kickboxing).
VĐV Vũ Trường Giang (sinh năm 1992) là một trong những VĐV tiêu biểu đạt đẳng cấp kiện tướng quốc tế đã mang về cho tỉnh 9 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ của môn võ cổ truyền và kickboxing. VĐV Vũ Trường Giang cho biết: “Tôi có được sự thành công hôm nay là nhờ sự nỗ lực của bản thân và sự quan tâm, chỉ dạy nhiệt tình của Ban huấn luyện, lãnh đạo ngành. Dẫu biết rằng con đường thể thao chuyên nghiệp có nhiều chông gai nhưng tôi luôn nỗ lực hết sức mình để mang thành tích cao về cho tỉnh”.
Phát biểu Lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Đắk Nông lần thứ V, năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định: “Qua 4 kỳ đại hội, phong trào TDTT ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút mọi tầng lớp Nhân dân tham gia, với nhiều hoạt động sôi động, thiết thực, bổ ích".
Đầu tư căn cơ, bài bản
Ông Phan Thanh Cơ, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cho biết: “Không phải ngẫu nhiên thể thao Đắk Nông có được vị thế như hôm nay mà là công sức của nhiều thế hệ dồn hết tâm sức phấn đấu. Đầu tư TTTTC không giống như một món đầu tư thông thường, bởi ngoài kinh phí còn cần sự quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại và cả sự sáng tạo. Làm TTTTC không thể làm vội theo kiểu chạy theo thành tích, theo lối “ngắt ngọn” mà cần phải đầu tư theo kiểu căn cơ, bài bản từ nhiều khâu: tuyển chọn, đào tạo VĐV, chất lượng huấn luyện viên, chế độ đãi ngộ...”.
Theo ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL, nhận thức tầm quan trọng của công tác TDTT nói chung, TTTTC nói riêng, nhất là đối với thế hệ trẻ nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, tỉnh. Đầu tư cho TDTT là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước, tỉnh do đó, cùng với tăng tỷ lệ chi ngân sách, cần huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT và đào tạo VĐV TTTTC. Cùng với đó, toàn tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” sâu rộng trong Nhân dân.
Đắk Nông sớm hoàn thiện các thiết chế TDTT từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đồng thời gìn giữ, tôn vinh những giá trị TDTT dân tộc. Cụ thể, đến năm 2025, có 90% số thôn có nhà văn hóa – khu thể thao; 60% số đơn vị hành chính cấp xã có trung tâm văn hóa – thể thao và các thiết chế văn hóa đáp ứng được chỉ tiêu về xã nông thôn mới; 90% số đơn vị cấp huyện có trung tâm văn hóa – thể thao.
Đến năm 2030, thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng thuộc ngành Văn hóa đạt tỷ lệ 100% ở các cấp hành chính; 50% số đơn vị hành chính cấp huyện có nhà thiếu nhi; 30% đơn vị hành chính cấp huyện, 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh, 50% khu công nghiệp, khu chế xuất có trung tâm văn hóa – thể thao.
Đến năm 2050, thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng thuộc ngành Văn hóa đạt tỷ lệ 100% ở các cấp hành chính; 100% số đơn vị hành chính cấp huyện có nhà thiếu nhi; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có trung tâm văn hóa – thể thao.
Đắk Nông, phấn đấu đến năm 2025, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 250 VĐV; trong đó có khoảng 15 VĐV đội tuyển quốc gia, 5 VĐV đạt thành tích quốc tế. Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 40 huấn luyện viên tài năng, trong đó có khoảng 5 huấn luyện viên cao cấp.