Bảo đảm an ninh biên giới và liên kết vùng
Chính trị - Ngày đăng : 14:37, 01/02/2023
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới
Trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, công tác phân giới cắm mốc, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm chỉ đạo đặc biệt đối với công tác này; dành nguồn lực thỏa đáng cho nhiệm vụ phân giới cắm mốc trên toàn tuyến. Những năm gần đây, công tác phân giới cắm mốc đoạn biên giới giữa hai tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đến nay, Đắk Nông và Mondulkiri đã xây dựng hoàn thành cắm mốc xong 8 vị trí với 16 cột mốc chính từ vị trí cột mốc số 48 đến cột mốc số 55 và đã phân giới được 117 km đường biên giới (tương đương với gần 83% chiều dài đường biên giới giữa hai tỉnh Đắk Nông-Mondulkiri). Đường biên giới Việt Nam-Campuchia giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Mondulkiri được xác định rõ ràng và được đánh dấu bằng hệ thống mốc giới hiện đại trên thực địa tạo cơ sở để các ngành chức năng quản lý biên giới một cách hiệu quả, góp phần giữ vững sự ổn định khu vực biên giới, tạo điều kiện mở rộng giao lưu Nhân dân. Đây là cơ sở pháp lý để lực lượng bộ đội biên phòng bảo đảm tốt chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, về hệ thống đường biên, dấu hiệu đường biên; đồng thời thực hiện tốt công tác đối ngoại với lực lượng vũ trang Campuchia trong bảo đảm chủ quyền an ninh biên giới.
Như vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới là phấn đấu hoàn thành cắm 8 cột mốc chính còn lại và phân giới đối với 24km đường biên giới tương đương hơn 17% chiều dài đường biên giới giữa hai tỉnh Đắk Nông-Mondulkiri. Đối với nhiệm vụ chính trị này, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, phối hợp với Campuchia phấn đấu hoàn thành khung pháp lý song phương về quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu và phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền. Nhiệm vụ trong những năm tiếp theo là Việt Nam – Campuchia sẽ thúc đẩy đàm phán phân giới cắm mốc. Đối với Đắk Nông, địa phương sẽ phát triển toàn diện hơn, phong phú hơn mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai tỉnh Đắk Nông – Mondulkiri trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị vì Nhân dân hai bên.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ký kết Chương trình hợp tác phát triển giữa 2 tỉnh giai đoạn 2022-2025 (ảnh: Lê Phước) |
Là lực lượng nòng cốt, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Nông chỉ đạo chặt chẽ các đồn biên phòng tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về kết quả phân giới cắm mốc; tổ chức giáo dục pháp luật, các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới cho các lực lượng, nhất là Nhân dân vùng biên giới để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cùng với bộ đội biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các huyện biên giới, các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới theo đúng quy định, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác phát triển.
Phát biểu tại Chương trình Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác Nhân dân Việt Nam và Campuchia lần thứ V được tổ chức tại Đắk Nông vào ngày 7/11/2022, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã nhấn mạnh, việc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 giữa hai tỉnh là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai địa phương và sắp tới ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2026 để làm cơ sở cho việc thúc đẩy hợp tác toàn diện về kinh tế, văn hóa, thương mại, du lịch, đầu tư giữa hai bên trong thời gian tới. Trên cơ sở này, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nhà nước nói chung và hai tỉnh Đắk Nông-Mondulkiri nói riêng sẽ phát triển toàn diện hơn, thiết thực hơn trên tinh thần đoàn kết, vì lợi ích chung của Nhân dân hai nước.
Chú trọng liên kết vùng
Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII xác định rõ đối với công tác đối ngoại là chú trọng vào liên kết vùng. Đây cũng là giải pháp phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra. Trong đó, Đắk Nông đã xác định rõ theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng; liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ. Đắk Nông thuộc tiểu vùng Nam Tây Nguyên bao gồm Đắk Nông và Lâm Đồng, nhiệm vụ tập trung vào hợp tác phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp khai khoáng, chế biến bô xít, alumin, công nghiệp chế biến nhôm. Không gian phát triển kinh tế đối với tiểu vùng Nam Tây Nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ gắn với vùng Đông Nam Bộ theo hành lang quốc lộ 20 và các tuyến cao tốc Dầu Dây-Liên Khương, Chơn Thành-Gia Nghĩa.
Trong liên kết vùng và nội vùng, Đắk Nông xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, thiên nhiên và truyền thống lịch sử gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Như vậy, trong công tác hợp tác đối ngoại, việc định hướng, quy hoạch đã rõ ràng, vấn đề quan trọng hiện nay là Đắk Nông tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao hiệu quả việc bảo đảm an ninh biên giới và hợp tác liên kết vùng, nội vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.