Lộ trình mới cho nông nghiệp Đắk Nông

Kinh tế - Ngày đăng : 15:00, 01/02/2023

Đắk Nông có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện chưa phát huy hết các giá trị. Ðể đưa ngành Nông nghiệp phát triển, trở thành một trong 3 trụ cột thực sự của nền kinh tế, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Ðắk Nông cần những lộ trình, giải pháp mạnh mẽ hơn.

Phát triển bền vững

Theo kế hoạch, mục tiêu đề ra, đến năm 2025, Đắk Nông rà soát, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên lợi thế sẵn có của địa phương. Tỉnh sẽ thực hiện sản xuất nông nghiệp theo các quy trình tiên tiến, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Địa phương sẽ nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất, ứng dụng công nghệ cao dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt từ 20% trở lên.

Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 10% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh phấn đấu phát triển các chuỗi liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười thăm mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng)

Cùng với phát triển nông nghiệp, quá trình phát triển kinh tế rừng bền vững thông qua trồng cây đa mục đích, cây phân tán, dược liệu dưới tán rừng, du lịch sinh thái… sẽ được tỉnh đẩy mạnh.

Đến năm 2030, trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Đắk Nông thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận, nông nghiệp sạch, hữu cơ… ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Toàn tỉnh hình thành, phát triển một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở các vùng nông nghiệp tập trung đã có. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt ít nhất 20% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp.

Đắk Nông xây dựng một số cơ sở chế biến nông sản có quy mô và công suất lớn. Hoạt động chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ, hình thành kinh tế lâm nghiệp bền vững sẽ được địa phương đẩy mạnh.

Ðến năm 2050, Ðắk Nông phấn đấu trở thành địa phương trong 10 tỉnh dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cả nước. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ hiện đại vào các loại cây trồng, vật nuôi cao chiếm ít nhất 70% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. Ðắk Nông phát triển thành trung tâm chế biến nông sản chất lượng cao…

Sản xuất gắn với chế biến sâu

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp tại Đắk Nông vẫn phát triển theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ. Điều này, chưa tạo ra được giá trị sản phẩm, cũng như sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo UVTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Xuân Hải, Đắk Nông là vùng khí hậu, thỗ nhưỡng phù hợp với phát triển nông nghiệp, nhất là đủ chủng loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, vấn đề này chưa được tỉnh đưa vào quy hoạch và đầu tư bài bản.

Để phát huy lợi thế này, UBND tỉnh cần xác định đây là một loại hình sản phẩm chủ lực, có tiềm năng. Trên cơ sở xác định, Đắk Nông nghiên cứu kỹ tiềm năng của thị trường, tập trung chỉ đạo các cơ quan tham mưu tính toán quy hoạch.

Việc bố trí quy hoạch đất để tập trung kêu gọi các dự án vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến công nghệ cao, sản phẩm sạch cần được tỉnh chú trọng nhiều hơn.

Trước mắt, tỉnh cần tiến hành các giải pháp đồng bộ, khả thi trong việc nâng cao chất lượng sản xuất tại địa phương gắn với đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, xuất xứ sản phẩm.

"Địa phương cần tiến hành xúc tiến thương mại để xuất khẩu sản phẩm chính ngạch vào các nước đã ký kết các hiệp định thương mại. Trong đó, đặc biệt chú ý đến thị trường Trung Quốc, Úc và các nước Đông Bắc Á”, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Xuân Hải nhấn mạnh.

Liên quan đến đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong điều kiện Đắk Nông nguồn lực phát triển chưa nhiều, trình độ phát triển chưa cao nên chọn nội hàm chặt chẽ trong phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

"Đắk Nông không nên đặt vấn đề chỉ có nông nghiệp công nghệ cao, mà nên đặt chuỗi nông sản, đặc sản cao. Chuỗi này không hàm nghĩa chỉ có nông nghiệp, mà đây là chuỗi liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ phân phối sau này. Như vậy, lợi ích về giá trị gia tăng cho Đắk Nông sẽ nhiều hơn”, PGS.TS Trần Đình Thiên góp ý.

Đắk Nông có nhiều lợi thế để phát triển cây ăn trái cần được phát huy

Làm tốt phương thức “3 đồng 2 vừa”

Cùng với sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến sâu, Đắk Nông cần xác định nhiều loại cây chủ lực hơn nữa để phát huy lợi thế trong giai đoạn mới. Hiện tại, tỉnh mới xác định 4 loại cây trồng chủ lực gồm: cà phê, hồ tiêu, điều, cao su. Hai cây trồng tiềm năng đó là mắc ca và dược liệu.

Trong khi, Đắk Nông là tỉnh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển nhiều chủng loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng, mít, măng cụt, các loại cây có múi. Tất cả đều phân bổ đồng đều ở các huyện trên địa bàn. 

Theo Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Xuân Hải, để phát huy lợi thế này, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT nghiên cứu, chọn giống cây ăn trái hiệu quả cao, có lợi thế về chất lượng. Mỗi loại cây sẽ phù hợp với lợi thế từng vùng, từng huyện để bổ sung vào các loại cây chủ lực của tỉnh.

Quá trình phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới phải gắn với chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, tính cạnh tranh đối với thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu.

"Tỉnh cần triển khai làm tốt phương thức 3 đồng (đồng nhất về giống, đồng nhất về công nghệ, kỹ thuật canh tác và đồng nhất về chất lượng sản phẩm) và 2 vừa (vừa làm tập trung quy mô lớn của các doanh nghiệp lớn, vừa sản xuất phân tán ở các trang trại, hộ gia đình). Có như vậy, lĩnh vực nông nghiệp mới phát huy được vai trò trụ cột”, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Xuân Hải nhấn mạnh.

Nguyễn Lương