Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, dấn thân
Chính trị - Ngày đăng : 15:09, 01/02/2023
Chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận
Số lượng trí thức đang làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội hiện nay khoảng 14.707 người;, trong đó, có 8 tiến sĩ, 764 thạc sĩ, còn lại là trình độ đại học và cao đẳng. Thời gian qua, Đắk Nông cụ thể hóa các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương liên quan đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bảo đảm quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Cán bộ thường xuyên được cử tham gia các lớp đào tạo, bảo đảm đúng đối tượng, chất lượng được nâng lên. Từ đó, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh; hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh theo quy định và tạo nguồn cán bộ kế cận.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án 03 về tạo nguồn cán bộ nữ, trẻ, dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ nay đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035. Trên cơ sở đó, tỉnh đã phê duyệt tạo nguồn 295 người/319 lượt; trong đó, cán bộ trẻ 113 lượt, nữ 153 lượt và dân tộc thiểu số 53 lượt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ cán bộ nữ, trẻ, dân tộc thiểu số thuộc diện Đề án 03 trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, biệt phái.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 tỉnh xác định, 1 trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ đó là “Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực là trụ cột phát triển kinh tế của địa phương”.
Để thực hiện đột phá này, theo đồng chí Lê Xuân Ninh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trước hết, Ban tham mưu BTVTU tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các quy định, hướng dẫn của Trung ương liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đơn vị rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản của tỉnh liên quan để bảo đảm đồng bộ thống nhất phù hợp với tình hình thực tiễn. Hàng năm, tỉnh tiếp tục có kế hoạch cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời khuyến khích cán bộ tự đào tạo để nâng cao năng lực của bản thân.
Cùng với việc tranh thủ tối đa các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Đắk Nông ban hành nhiều chính sách thu hút, đào tạo, luân chuyển cán bộ. Từ đó, tạo động lực để xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, và tạo nguồn cán bộ kế cận cho những năm tiếp theo. Các kế hoạch luân chuyển, đào tạo cán bộ sau quy hoạch để bảo đảm tiêu chuẩn chức danh, rèn luyện từ thực tiễn cơ sở tiếp tục được xây dựng và thực nghiêm túc.
Phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng nhiệm vụ
Trong Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, về phát triển nguồn nhân lực, tỉnh nhấn mạnh bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức phát huy vai trò, năng lực trong thực thi các chính sách.
Đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại báo cáo 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Tỉnh ủy Đắk Nông xác định rõ quan điểm: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Nhận thức rõ giá trị truyền thống coi trọng hiền tài và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, ý nghĩa của nhân tài trong sự nghiệp phát triển đất nước, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đắk Nông xác định nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá cần tập trung.
Đồng chí Điểu K’Ré, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao quyết định điều động, bổ nhiệm đồng chí Châu Ngọc Lương, TUV, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn giữ chức vụ Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy |
Tỉnh phấn đấu, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Đội ngũ trí thức được xây dựng đáp ứng về số lượng, có chất lượng ngang tầm với các địa phương trong khu vực và cả nước. Cơ cấu ngành nghề đa dạng, hợp lý trong mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Để hiện thức hóa điều này, cùng với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, Đắk Nông coi việc xây dựng đội ngũ trí thức là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền. Các chính sách của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức tiếp tục tập trung thực hiện tốt, làm cho toàn xã hội hiểu đúng và coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Địa phương hoàn thiện về cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức có tài năng, phẩm chất tốt để sáng tạo, cống hiến, phục vụ. Đi đôi với đó, tỉnh tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, chế độ, chính sách cho đội ngũ trí thức, nhất là đối với trí thức ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đắk Nông nghiên cứu, có chính sách, cơ chế để tạo điều kiện phát huy năng lực chuyên môn của các chuyên gia, các nhà khoa học và công nghệ trình độ cao, những tài năng lớn trong các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật…
Việc tạo chuyển biến căn bản đào tạo, bồi dưỡng trí thức, bao gồm cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ và mở ra nhiều hình thức, huy động các nguồn lực xã hội tham gia bồi dưỡng, đào tạo lại để nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ trí thức, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Với việc xác định đội ngũ trí thức, trong đó có cán bộ, công chức là nhân tố then chốt trong việc hoạch định và thực thi chính sách, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Đắk Nông đã và đang, sẽ đặt ra yêu cầu, đòi hỏi cao hơn đối với công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ.