3 thời điểm vàng để khơi dậy khát vọng phát triển
Chính trị - Ngày đăng : 15:35, 01/02/2023
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhiều lần đặt vấn đề khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí, tiềm năng, nguồn lực phát triển; khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, khơi dậy khát vọng vươn lên, khơi dậy nội lực.
Trong Báo cáo chính trị, từ “khơi dậy” xuất hiện 9 lần, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 là 10 lần. Sự diễn đạt có thể khác nhau, nhưng cái cần khơi dậy là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và những giá trị tốt đẹp của dân tộc, đứng đầu là tinh thần yêu nước.
Mục đích khơi dậy là tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Về vị trí, từ “khơi dậy” nằm ở các phần cốt lõi nhất của Văn kiện: tiêu đề, quan điểm chỉ đạo, quan điểm phát triển, mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược, kết luận; gắn với các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, con người, giáo dục, khoa học và công nghệ, xoá đói giảm nghèo, v.v.
Nhìn từ nhiều phương diện, đất nước hiện đang đứng trước 3 thời điểm vàng hội tụ nhiều yếu tố để có thể khơi dậy khát vọng phát triển và các giá trị tinh thần truyền thống, biến thành nguồn sức mạnh để tạo ra bước đột phá đối với nền kinh tế.
Thời điểm vàng về dân số
Thống kê cho biết hiện có khoảng 75% dân số trong độ tuổi lao động. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra 3 nhân tố cơ bản đóng góp cho tăng trưởng ‘thần kỳ’ của khu vực Đông Á là: (i) nguồn nhân lực dồi dào và có chất lượng, (ii) dân số ổn định và tăng trưởng việc làm cao và (iii) tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao. Nguồn dân số dồi dào cộng với một nền giáo dục tiên tiến và một chính sách khai thác hiệu quả sẽ tạo ra một lực lượng lao động hùng hậu.
Thời điểm vàng về cơ đồ và vị thế
Đất nước đang có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế vững chắc hơn bao giờ hết. Xuất phát điểm của nước ta hiện nay hoàn toàn khác với thời kỳ đổi mới. Về kinh tế, từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Về chính trị, bên trong chúng ta có được một môi trường hòa bình, ổn định; bên ngoài, nước ta được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức toàn cầu. Về ngoại giao, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; ký kết các quan hệ ổn định, lâu dài với tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới…
Thời điểm vàng về cách mạng công nghiệp
Các cuộc cách mạng công nghiệp đã qua đều đem đến những thay đổi toàn diện đối với hình thái kinh tế - xã hội. Cách mạng công nghiệp thứ nhất khẳng định sự thắng thế tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản đối với chế độ phong kiến. Cách mạng công nghiêp lần thứ hai đã thay thế chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh bằng chủ nghĩa tư bản độc quyền, giúp giai cấp công nhân lớn mạnh vượt bậc và thúc đẩy sự ra đời của chủ nghĩa xã hội. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba đưa đến sự ra đời của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư hứa hẹn sẽ làm thay đổi hình thái kinh tế - xã hội hiện tại, tạo ra bước ngoặc trong sự phát triển của lịch sử nhân loại. Nó cũng là cơ hội bứt phá của các nước nghèo.
Ba thời điểm vàng trên đây có thể có thể xem là sự hội tụ đầy đủ của thiên thời, địa lợi và nhân hòa: thời điểm vàng về cách mạng công nghiệp là Thiên thời, thời điểm vàng về cơ đồ và vị thế là Địa lợi và thời điểm vàng về dân số là Nhân hòa. Hiện nay, chúng ta lại đang định hình và định lượng rất rõ lý tưởng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Từ cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín vững chắc hiện tại, Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra mục tiêu đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Là cái đích để cả nước nhắm tới, mục tiêu này còn là cơ sở để Đảng tập hợp, khơi dậy và phát huy mọi tiềm lực của đất nước.