Ðắk Nông hướng đến nền giáo dục thân thiện, hiện đại và hội nhập
Giáo dục - Đào tạo - Ngày đăng : 14:48, 01/02/2023
Quy mô trường, lớp ngày càng được mở rộng
Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, ngay từ khi thành lập tỉnh (năm 2004), trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng Đắk Nông luôn dành nguồn lực ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo, lấy giáo dục và đào tạo là mục tiêu, động lực để phát triển. Nhiều chương trình, đề án đã được triển khai đồng bộ mang lại diện mạo mới cho các cơ sở giáo dục như chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020, Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025…
Hệ thống giáo dục được đầu tư phát triển hợp lý, cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Cụ thể, tỷ lệ phòng học kiên cố trong toàn tỉnh đã chiếm gần 80%. Năm 2004 toàn tỉnh có 174 cơ sở giáo dục, với quy mô trường lớp còn nhỏ, lẻ, thì đến năm học 2022-2023 đã tăng 368 cơ sở giáo dục, trong đó có 42 cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Mạng lưới giáo dục phát triển rộng khắp, đầy đủ ở hầu hết các bậc học, ưu tiên phát triển ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, hệ thống giáo dục ngoài công lập bước đầu phát triển ở các cấp học, đặc biệt là giáo dục mầm non. Từ đó, chất lượng giáo dục các bậc học cũng có những chuyển biến rõ nét. Chất lượng giáo dục dần được rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Chất lượng mũi nhọn ngày càng được khẳng định qua số lượng học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia.
Điều kiện học tập của học sinh ở các trường ngày càng được cải thiện |
Phát triển nền giáo dục toàn diện
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển GD-ĐT theo hướng thân thiện, hiện đại và hội nhập quốc tế; đạt chuẩn về cơ sở trường, lớp, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và phục vụ; nâng cao chất lượng dạy và học. Ngành GD-ĐT tỉnh Đắk Nông được phát triển ngang tầm với các tỉnh tiên tiến ở vùng Tây Nguyên và cả nước, hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế; đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, tăng năng suất lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Trên cơ sở mục tiêu đề ra, tỉnh định hướng phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo ở từng bậc học. Cụ thể, Đắk Nông xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục mầm non theo hướng chuẩn hóa về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của đội ngũ giáo viên và về cơ sở vật chất, gồm phòng học chung, phòng chức năng có đủ trang thiết bị, đồ chơi, sân chơi theo quy định. Mỗi xã, phường, thị trấn có 1 trường mầm non công lập và phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi trước năm 2030.
Bậc tiểu học tập trung đầu tư nâng cấp, đồng bộ hóa cơ sở trường học, lớp học và trang thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Bậc THCS tập trung phát triển mạng lưới giáo dục phù hợp với tốc độ tăng trưởng dân số, xây dựng thêm phòng học mới để bảo đảm mỗi lớp có 1 phòng học và tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày. Bậc THPT chú trọng đổi mới mô hình giáo dục, đào tạo phù hợp với xu thế phát triển. Các loại hình giáo dục chuyên biệt cũng được định hướng phát triển phù hợp như trường chuyên, trường dân tộc nội trú, bán trú, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập…
Về cơ sở vật chất, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tăng số trường lên 390 trường và đến 2030 có 430 trường các cấp. Riêng trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu đạt 257 trường các cấp.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Đắk Nông đề ra 5 nhóm giải pháp, gồm: giải pháp về quản lý; giải pháp về nguồn lực (phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa việc thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, mở rộng quỹ đất, ưu tiên bố trí vị trí phù hợp, thuận tiện để xây dựng mạng lưới trường, lớp ở các cấp học); giải pháp về chuyên môn; giải pháp về xã hội hóa giáo dục; giải pháp về truyền thông. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT, để đạt được các mục tiêu đề ra phải có sự quyết tâm cao và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp.
Theo đó, cùng với rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, Đắk Nông tập trung, tăng cường các nguồn vốn đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Trong đó, tỉnh sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lồng ghép sử dụng nguồn vốn của các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có liên quan đến giáo dục và đào tạo. Bên cạnh nguồn vốn từ nội lực, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn ODA; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư cho phát triển giáo dục bằng những chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng…
Tỉnh xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với lộ trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế. Xây dựng chiến lược truyền thông về GD-ĐT nhằm nâng cao nhận thức “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, là khâu đột phá để Đắk Nông trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên vào năm 2030” trong toàn hệ thống chính trị, tầng lớp Nhân dân. Từ đó, kêu gọi mọi người tham gia đóng góp, đầu tư, xây dựng tính cộng đồng trách nhiệm trong phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh bằng mọi hình thức...