Công nghiệp và trụ cột phát triển của Ðắk Nông
Kinh tế - Ngày đăng : 15:29, 01/02/2023
Lộ trình cụ thể
Theo lộ trình, đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu nâng công suất alumin-nhôm lên 1,3 triệu tấn/năm; điện phân nhôm của tỉnh đạt mốc 300 ngàn tấn/năm.
Đắk Nông sẽ thu hút một số nhà đầu tư lớn thăm dò, chuẩn bị xây dựng các nhà máy chế biến sau nhôm; các nhà máy công nghiệp phụ trợ các sản phẩm từ nhôm; các nhà máy điện mặt trời, điện gió.
Đến năm 2030, Đắk Nông phấn đấu nâng công suất alumin lên 2,5-3 triệu tấn/năm. Điện phân nhôm của tỉnh phấn đấu đạt mốc 600.000 tấn/năm.
Toàn tỉnh sẽ hình thành một số tổ hợp công nghiệp lớn về chế biến sau nhôm, công nghiệp phụ trợ cho sản xuất nhôm, sau nhôm. Các nhà máy điện mặt trời, điện gió hỗ trợ cung ứng điện tại chỗ phục vụ sản xuất alumin - điện phân nhôm.
Đến năm 2050, Đắk Nông phấn đấu sẽ trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu nhôm, sản phẩm sau nhôm ra khu vực và thế giới. Tỉnh sẽ phát triển các tổ hợp, nhà máy chế biến sau nhôm, công nghiệp phụ trợ, tạo thành chuỗi sản phẩm trên nền công nghiệp nhôm. Nguồn điện tại chỗ của tỉnh bảo đảm cung ứng 70% nhu cầu điện cho công nghiệp sản xuất nhôm.
Để làm được điều này, cùng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đắk Nông sẽ chuẩn bị các điều kiện liên quan. Trước mắt, tỉnh sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ.
Việc đưa Nhà máy luyện nhôm Trần Hồng Quân đi vào hoạt động đang được tỉnh đốc thúc. Đặc biệt, để thực hiện lộ trình trên, Đắk Nông bắt buộc phải hoàn thành, đưa vào hoạt động tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Giai đoạn 2030-2050, Dự án Nhân Cơ 2 dự kiến hoàn thành, thu hút một số nhà đầu tư. Toàn tỉnh tiếp tục hoàn thành, đưa vào hoạt động cao tốc Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa. Tuyến đường sắt chuyên dụng Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ bắt đầu được xây dựng cùng thời điểm này.
Để chuẩn bị các điều kiện này, trong ngắn hạn, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất alumin trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bô xít hướng tới hoàn thiện chuỗi giá trị bô xít-alumin-nhôm.
Đắk Nông chú trọng đầu tư nâng cao công suất của Nhà máy alumin Nhân Cơ trong giai đoạn tới. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, giải quyết các thủ tục liên quan để đưa dự án sản xuất nhôm đi vào hoạt động, sớm có sản phẩm nhôm và các sản phẩm sau nhôm trong thời gian sớm nhất.
Đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu nâng công suất alumin, nhôm lên 1,3 triệu tấn/năm; đến năm 2030 nâng lên 2,5-3 triệu tấn/năm |
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Theo đánh giá của các chuyên gia, lộ trình, mục tiêu Đắk Nông đặt ra trong giai đoạn tới khá cụ thể. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với tập trung giải quyết những “nút thắt” nội tại, Đắk Nông hoàn toàn có cơ sở bứt phá trong tương lai gần.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, với địa hình chia cắt, Đắk Nông nên ưu tiên đẩy nhanh phát triển kinh tế số, góp phần giải quyết bất cập vốn có của tỉnh.
“Kế đến là tập trung phát triển ngành công nghiệp. Bởi đây là ngành liên quan đến phát triển đô thị, là mũi nhọn quan trọng. Lĩnh vực này mà phát triển sẽ kéo theo số lao động và dân cư tăng lên”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân chia sẻ.
Liên quan đến phát huy tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực công nghiệp, UVTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Xuân Hải cho rằng, Đắk Nông nên kêu gọi các tập đoàn nhôm lớn trên thế giới như của Mỹ, Úc đầu tư các dự án lớn về khai thác alumin, gắn với sản xuất nhôm, công nghiệp sau nhôm.
Ở phạm vi trong nước, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư, kêu gọi các tập đoàn lớn có năng lực tài chính như: Hoà Phát, Việt Phương, Đức Giang… tham gia khảo sát, quy hoạch cụ thể các mỏ, địa điểm, xây dựng nhà máy để đưa vào quy hoạch đất đai. Đắk Nông cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án.
Đơn cử lĩnh vực khai thác đá bazan, một loại tài nguyên khoáng sản mà tỉnh có trữ lượng lớn. Hiện nay, trên địa bàn có rất nhiều nhà máy chế biến, sản xuất đá bazan xuất khẩu.
Nếu làm tốt quy hoạch, quản lý hợp lý đá bazan sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, nguồn thu lớn cho tỉnh. Làm được điều này, tỉnh sẽ vừa bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự, vừa hạn chế tình trạng khai thác lậu gây ra.
Tỉnh nên kêu gọi các doanh nghiệp vào một vài khu mỏ thăm dò, khảo sát, phù hợp giữa nhu cầu đầu tư và trữ lượng của mỏ, nhằm tăng tính hiệu quả lâu dài.
"Cũng cần tránh tình trạng chỗ nào cũng đưa các doanh nghiệp vào, cứ một doanh nghiệp, một khu vực thì rất lãng phí”, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Trần Xuân Hải góp ý.
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2050, nguồn điện tại chỗ sẽ cung ứng khoảng 70% nhu cầu sản xuất nhôm |
Giải quyết “nút thắt” về kết nối
Đắk Nông có tiềm năng, lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, những năm qua, tỉnh chưa thể phát huy được những tiềm năng này. Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là do “nút thắt” về kết nối.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Đắk Nông cần đẩy mạnh liên kết vùng. Các tọa độ phát triển trung tâm sẽ là động lực bứt phá mạnh mẽ cho Đắk Nông trong giai đoạn tới. Liên kết ở đây không riêng gì giao thông, mà tầm xa hơn còn là các chuỗi sản xuất, các chuỗi kinh tế.
“Làm sao Đắk Nông không chỉ chuyên về sản xuất, mà còn hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm cho TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh lân cận. Đắk Nông muốn phát triển tốt phải chú ý đến cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm”, PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, ngoài “nút thắt” về kết nối, Đắk Nông hiện đang thiếu các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị đặc trưng có sức cạnh tranh. Ví dụ chuỗi alumin hay chuỗi alumin nối với năng lượng đang khởi động. Đây là một điểm yếu cần khắc phục.
Về công nghiệp nhôm, năng lượng tái tạo, tỉnh đã xác định là trụ cột thì buộc phải có luận chứng trên quan điểm nhu cầu thế giới và yêu cầu phát triển của quốc gia.
"Nếu cứ bó buộc trong phạm vi một mình Đắk Nông hay ngay cả khu vực Tây Nguyên thì rất khó để phát triển”, PGS.TS Trần Đình Thiên bày tỏ quan điểm.