Tận dụng thời điểm vàng từ những bài học lịch sử

Chính trị - Ngày đăng : 15:16, 01/02/2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Còn non, còn nước, còn người; Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Quyết tâm cao cả ấy có sức lan tỏa rất rộng lớn và có sức mạnh tập hợp đoàn kết mạnh mẽ, đồng thời, khẳng định một niềm tin to lớn vào ngày mai. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, quyết tâm ấy phải được cụ thể hóa thành hành động: “Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh bị động, thiếu sót và sai lầm”.

Nước ta đang đứng trước thời điểm vàng, là sự hội tụ đầy đủ của thiên thời, địa lợi và nhân hòa: thời điểm vàng về cách mạng công nghiệp là Thiên thời, thời điểm vàng về cơ đồ và vị thế là Địa lợi và thời điểm vàng về dân số là Nhân hòa.

Để thực hiện mong ước lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, chúng ta có thể tận dụng được thời điểm vàng này, dựa vào những bài học lịch sử, có 5 vấn đề cần đặt ra.

Xây dựng một bộ máy lãnh đạo trong sạch về đạo đức, tài giỏi về chuyên môn, tâm huyết về cống hiến.

Hồ Chí Minh dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Thời chiến tranh, quanh Hồ Chí Minh là một đội ngũ những con người kiệt xuất không đếm hết mà ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có. Cần là họ bước lên phía trước, giao việc gì cũng hoàn thành. Đấy là tầng lớp tinh hoa của Đảng và cũng là của dân tộc. Chính họ, dưới sự dìu dắt của Hồ Chí Minh, đã làm cho Đảng “là đạo đức, là văn minh”. Cần phải có một tầng lớp tinh hoa như thế. Cần phải quan tâm để tìm ra những người tài giỏi nhất, để đặt vào đâu thì được ở đấy, giao việc gì thì được việc đấy.  Phải phát hiện, tập hợp cho bằng được và trao việc cho họ.

Hiện nay, chúng ta có một đội ngũ lãnh đạo cao cấp phần lớn được đào tạo chính quy, xuất thân từ trí thức, được đào tạo bài bản, được rèn luyện qua thực tiễn. Đây là một cách làm đang tỏ ra hiệu quả, cần phải tiếp tục tạo ra những con người như thế, đặt họ vào những thử thách để chọn lựa, liên tục bổ sung, củng cố tầng lớp tinh hoa.

Cần tiến tới một chế độ thi tuyển lãnh đạo thống nhất cho cả nước, coi trọng thực tài hơn bằng cấp trong bối cảnh bằng cấp ngày càng nhiều mà chất lượng đào tạo ngày càng đi xuống.

Chấn hưng giáo dục

Nếu có một vấn đề nào đó mà tất cả mọi gia đình Việt Nam đều quan tâm, ngoài chuyện cơm áo gạo tiền hay dịch bệnh, có lẽ đó là giáo dục. Nhiều trẻ em mồ côi, gia đình khó khăn khi trả lời báo chí đều mơ học giỏi để thành bác sĩ. Ngay trong nhận thức non nớt của các em, học là chiếc phao “cứu sinh” giữa dòng đời nhiều thử thách. Không tạo ra được nhiều chiếc phao mơ ước và chuyển đến tận tay các em, tội và lỗi thuộc về người lớn.

Nhiều người không đồng tình với cách so sánh giáo dục như một trận đánh. Có lẽ để tạo ra một Điện Biên Phủ trong kinh tế, trước hết cần tạo ra một Điện Biên Phủ trong giáo dục. Giáo dục phải đi trước một bước. Trong mọi sự đổi mới, giáo dục phải đổi mới trước tiên. Không học thật thì không bao giờ có sự phát triển thật. Giáo dục cũng nên được xem là một mặt trận, một mặt trận đấu tranh chống lại những quan điểm cũ kỹ, lỗi thời; chống lại những hư hỏng, tiêu cực và lợi ích nhóm; xây dựng một nền giáo dục bình đẳng, nhân văn và khai phóng.

Trong Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hoá năm 1960, Bác Hồ từng viết: “Văn hoá giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Phải có những quyết định đột phá, dũng cảm mới có thể đổi mới giáo dục một cách căn bản và toàn diện. Câu nói “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người” bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò của giáo dục đối với sự nghiệp dài lâu có lẽ cũng hàm nghĩa phát triển giáo dục là việc khó khăn, lâu dài. Tuy nhiên, nói như Bác Hồ, càng khó khăn càng phải thi đua dạy tốt và học tốt. Càng nghèo càng phải đầu tư cho giáo dục.

Người quản lý giáo dục, thầy cô giáo phải xem mình là một chiến sĩ. Cần một sự mổ xẻ đến tận cùng những rào cản đối với giáo dục, hạn chế và nguyên nhân của nó. Tham khảo cách làm giáo dục của các nước phát triển, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và các nước con rồng Châu Á. Có lẽ đã đến lúc phải tạo ra một thế hệ thầy cô giáo “3 cao”: chuyên môn cao, quyết tâm cao và thu nhập cao.

Tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật phát triển

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 1946, Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

 Văn học nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng đối với việc giáo dục nhân cách. Nói một cách thẳng thắn, 35 năm qua, đất nước có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng lại ít thành tựu trong văn học nghệ thuật. Tài năng và tác phẩm đỉnh cao không nhiều. Thiếu hẳn những tác phẩm cổ vũ đổi mới, thiếu hẳn hình tượng về những con người khoẻ khoắn trong các tầng lớp nhân dân hay trong cán bộ, đảng viên – những nhân vật chính của đổi mới. Tác phẩm dành cho thiếu nhi không nhiều. Bỏ trống trận địa văn học nghệ thuật là một điều nguy hiểm.

Tiền không đẻ ra tài năng nhưng tiền có thể phát triển được công nghiệp văn hoá. Đấy là kinh nghiệm của Hàn Quốc. Tương lai của sáng tạo văn hoá phụ thuộc vào công nghiệp văn hoá, vào trí tuệ nhân tạo. Không đầu tư vào con người thì không có công nghiệp văn hoá. Điện ảnh hay công nghiệp biểu diễn có thể là những lĩnh vực tiên phong của công nghiệp văn hoá bởi số lượng người tiêu dùng của nó. Quá khứ hào hùng của dân tộc sẽ là kho tàng vô tận của một nền điện ảnh phát triển. Đó sẽ là một kênh giáo dục và khơi dậy các giá trị truyền thống nhân văn, nhân bản tuyệt vời. Đơn cử ví dụ: một thiên tài trên nhiều lĩnh vực mà cuộc đời oan khuất và bi thảm như Nguyễn Trãi thì cổ kim Đông Tây có lẽ không có người thứ hai. Tại sao cuộc đời ấy không bước vào một tác phẩm điện ảnh xuất sắc để hậu thế hiểu và kính trọng ông hơn, để thế giới hiểu dân tộc Việt Nam hơn? Lịch sử và văn hoá của dân tộc đang chờ đợi một nền công nghiệp điện ảnh. Cũng cần có một cuộc “phẫu thuật” để tìm hiểu xem các tài năng đang ở đâu và họ cần điều gì để phát lộ tài năng.

Củng cố vai trò của pháp luật

Pháp luật cần cho xã hội hiện đại như nước cần cho sự sống. Trong xã hội phong kiến, pháp luật là công cụ cai trị của triều đình. Trong xã hội hiện đại, pháp luật như một thứ “khế ước xã hội” để mọi người kiểm soát và hợp tác cùng nhau, để người dân trao quyền và kiểm soát quyền lực nhà nước. Nó là công cụ của toàn bộ xã hội.

Trong xã hội phong kiến, pháp luật là cái mà Nhân dân phải “ngước nhìn”; trong xã hội hiện đại, pháp luật ở trong tay Nhân dân. Chính trị tức quyền lực nhà nước mà thiếu sự kiểm soát của đạo đức và pháp luật thì dễ sa đọa.

Thiêng liêng lễ chào cờ đầu năm mới ở Trường Sa (ảnh tư liệu)

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “… Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động… Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho Nhân dân lao động”. Người căn dặn: “Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.…Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”. Người hết sức quan tâm tới việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở để mọi người dân và cán bộ tôn trọng, thực hiện.

Kinh tế thị trường mà thiếu sự kiểm soát của đạo đức và pháp luật thì dễ thất bại. Khi đạo đức suy đồi, quyền lực và đồng tiền có thể cấu kết để vô hiệu hóa pháp luật. Pháp luật bị vô hiệu hóa thì Nhân dân không có lòng tin vào bộ máy nhà nước. Để khơi dậy khát vọng phát triển, hội tụ nguồn lực cho phát triển, bên cạnh việc đề cao đạo đức xã hội, cần củng cố vai trò của pháp luật. Đó cũng là kinh nghiệm của nhiều nước phát triển.

Khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc chân chính

Hồ Chí Minh từng viết về văn hoá: “… phát triển hết cái hay cái đẹp của dân tộc, tức là ta cùng đi tới chỗ nhân loại”. Chính Hồ Chí Minh đã khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong hàng chục triệu trái tim Việt Nam, bằng tuyên truyền, giáo dục, nêu gương… và nhiều khi bằng những lời kêu gọi tha thiết cụ thể.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có ít nhất hai lần Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi. Cả hai lần đều chạm đến những điều thiêng liêng sâu xa nhất trong tâm hồn và tình cảm của con người Việt Nam, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, ý chí bất khuất, khát vọng độc lập tự do của dân tộc và niềm tin vào sự tất thắng của chính nghĩa.

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, cần phát động chủ nghĩa dân tộc chân chính của dân tộc mà trước hết, các mặt trận giáo dục, văn chương nghệ thuật, báo chí… phải nắm lấy sứ mệnh thiêng liêng của mình: tuyên truyền, quảng bá, cổ vũ để hội tụ và phát huy mọi nguồn sức mạnh của dân tộc.

Phan Công Khanh