Hoàn thiện thể chế một cách có trọng tâm, trọng điểm
Chiều 3/2, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) Chính phủ tổ chức họp phiên thứ 3 triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Lê Văn Chiến, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham dự.
Năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản. Cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp.
Chính phủ đã ban hành 3 nghị định; đang xem xét để ban hành 3 nghị định quy định liên quan đến chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Giai đoạn 2020-2022, đã tuyển dụng gần 19.000 công chức và hơn 125.000 viên chức; khắc phục phần nào tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua.
Công tác chuyển đổi số quốc gia được triển khai một cách mạnh mẽ, thực chất, gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Tại phiên họp có 11 tham luận của các bộ ngành, địa phương tham gia chia sẻ kết quả, kinh nghiệm nâng cao hiệu quả cải cách TTHC.
Năm 2023, với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo đột phá trong CCHC.
Cả nước tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC. Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu bộ máy theo quy định của Chính phủ.
Cả nước tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của cải cách.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, năm 2023, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động triển khai các giải pháp cụ thể về CCHC.
Trước hết, cần cải cách, hoàn thiện thể chế một cách có trọng tâm, trọng điểm, lấy thực tế làm thước đo hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác phối hợp, phát huy vai trò người đứng đầu trong CCHC.
Các cấp, ngành cần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số CCHC; chú trọng kiểm tra, giám sát để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh thực thi hiệu quả việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…