Tạo đột phá từ kinh tế rừng
Đời sống - Ngày đăng : 15:36, 31/01/2023
Đánh thức tiềm năng du lịch
Năm 2022, nhiều cây gỗ lớn tại xã Quảng Trực đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Việc công nhận này không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học mà còn phục vụ cho việc phát triển du lịch, nhất là du lịch khám phá, trải nghiệm rừng tại Đắk Nông.
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (huyện Tuy Đức) cho biết, sau khi quần thể săng lẻ được công nhận là Cây di sản Việt Nam, đơn vị đã phối hợp với một số doanh nghiệp lữ hành để đưa vào khai thác du lịch. Kết hợp với thăm quan quần thể cây di sản, du khách tới rừng Nam Tây Nguyên còn được khám phá một số dòng thác, cánh rừng đặc trưng tại đây. Sau một thời gian triển khai, bước đầu khách du lịch đều có phản hồi tích cực về cảnh sắc tự nhiên tại đây.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đánh giá, du lịch sinh thái là một hướng đi có triển vọng nhằm gắn kết bảo tồn với phát triển và nâng cao giá trị của các hệ sinh thái.
Phát triển du lịch rừng không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương mà còn tạo ra nguồn thu để tái sản xuất cho công tác bảo vệ rừng.
Tỉnh Đắk Nông có lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế rừng, trong đó có du lịch rừng |
Dù mới manh nha, thế nhưng hoạt động du lịch tại Vườn Quốc gia Tà Đùng (huyện Đắk Glong) cũng đã để lại nhiều dấu ấn cho du khách. Ngoài dãy núi Tà Đùng với hệ động, thực vật phong phú, Vườn Quốc gia Tà Đùng còn có “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”, với hàng chục hòn đảo lớn nhỏ, trở thành điểm “check-in” không thể thiếu khi đến với Đắk Nông.
Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Vườn Quốc gia Tà Đùng cho rằng, phát triển du lịch là một trong những phương án để khai thác những thế mạnh tại đơn vị. Năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng để tạo ra lợi thế kêu gọi đầu tư, từng bước đưa Tà Đùng thành điểm du lịch nổi tiếng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Nông.
“Phong cảnh ở đây vẫn giữ vẻ đẹp hoang sơ nên phần lớn du khách khi tham gia tour du lịch Tà Đùng đều chọn cách cắm trại, nghỉ mát, tận hưởng không khí, cảnh quan của núi rừng. Nếu thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia Tà Đùng sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách trong thời gian tới”, ông Khương Thanh Long nói.
Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng
Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ (huyện Tuy Đức) quản lý hơn 6.500 ha rừng và đất rừng. Đặc thù của rừng nơi đây là rừng thường xanh và nhiều loài dược liệu, cây thuốc quý.
Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ cho rằng, việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng mang lợi ích kinh tế và cũng là giải pháp quan trọng hạn chế tối đa việc khai thác tự nhiên, góp phần bảo tồn nguồn gen quý, tạo thảm thực vật chống xói mòn đất, ngăn lũ hiệu quả.
Để phát triển cây dược liệu hiệu quả, bền vững, theo ông Khương, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ngoài nghiên cứu khoa học, cần có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến dược liệu để mang lại hiệu quả kinh tế nhất.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông hồi tháng 9/2022, Bộ Y tế cho rằng, địa phương có thế mạnh về phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu là giải pháp quan trọng hạn chế tối đa việc khai thác tự nhiên, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài thực vật hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.
“Để phát huy thế mạnh này, tỉnh Đắk Nông cần có quy hoạch, phát triển trồng cây dược liệu phù hợp. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp có năng lực liên kết đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu gắn với xây dựng nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm”, các chuyên gia của Bộ Y tế đưa ra nhận định tại buổi làm việc với UBND tỉnh.
Theo đánh giá, phát triển dược liệu dưới tán rừng là một mô hình đã được nhiều tỉnh ở phía Bắc và Tây Nguyên triển khai rộng rãi. Đây là một mảng đã nhận được nhiều sự quan tâm ở Đắk Nông và được kỳ vọng sẽ đạt doanh thu dự kiến hơn 6 triệu USD/năm từ năm 2030 nếu phát triển diện tích trồng dưới tán rừng đạt 1.000 ha.
Triển vọng về tín chỉ carbon
Hiện nay, các đơn vị chủ rừng đều thực hiện phương án quản lý bảo vệ các diện tích rừng hiện có, phát triển rừng sao cho diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng là lớn nhất. Chính vì vậy, bên cạnh phát triển tiềm năng du lịch, khai thác, chế biến lâm sản phụ thì “tận dụng cơ hội từ tín chỉ carbon” được coi là ý tưởng đột phá để phát triển kinh tế rừng.
Tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông về quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050, một số chuyên gia đã nghiên cứu và đưa ra các ý tưởng đột phá nếu Đắk Nông tham gia thị trường tín chỉ carbon và hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất nhôm phát thải carbon thấp tại Việt Nam.
Theo đánh giá, tỉnh Đắk Nông có diện tích đất rừng rộng, trong đó có khoảng 83.000 ha đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Nếu Đắk Nông có thể bảo vệ rừng hiện trạng và gia tăng diện tích rừng lên gần 88.000 ha năm 2030, thì số lượng carbon rừng Đắk Nông có thể hấp thụ thêm là 1,5 triệu tấn, tạo ra doanh thu khoảng 7,5 triệu USD mỗi năm (tính theo giá 5 USD/tín chỉ carbon).
“Với diện tích đất lâm nghiệp lớn, tỉnh Đắk Nông hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trồng rừng, hướng tới phát triển kinh tế bền vững, cũng như phát triển năng lực kinh tế khi trao đổi các khoản tín chỉ carbon. Bán tín chỉ carbon giúp tăng thêm nguồn thu từ rừng đồng thời giúp chủ rừng, người dân quản lý rừng chuyên nghiệp hơn, từ đó nâng cao trách nhiệm của chủ rừng và người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững”, đồng chí Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói.