Tuy Ðức nỗ lực phát triển hậu Covid-19

Đời sống - Ngày đăng : 15:36, 31/01/2023

Đại dịch Covid-19 đi qua đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế, xã hội nói chung, nhất là huyện còn nhiều khó khăn như Tuy Ðức. Năm 2022, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Tuy Ðức đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phục hồi đà phát triển sau đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Trên cơ sở nghị quyết của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tuy Đức đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch để chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Cùng với việc thực hiện sớm và đồng bộ các giải pháp đề ra, tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2022 của huyện ổn định và phát triển; sản xuất nông nghiệp, tổng mức đầu tư trên địa bàn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và lượng khách du lịch tăng khá so cùng kỳ; các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, tài nguyên môi trường tiếp tục được chú trọng; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Cơ sở vật chất trường lớp được Tuy Đức chú trọng đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục

Kết thúc năm 2022, có 14/14 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; trong đó, nhiều chỉ tiêu ghi nhận mức tăng cao so với năm 2021.

Tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 5.540,48 tỷ đồng, bằng 102,67%KH. Trong đó, nông -  lâm - thủy sản đạt 3.886,54 tỷ đồng (đạt 100,09%KH); công nghiệp – xây dựng đạt 518,72 tỷ đồng (đạt 100,34%KH) và dịch vụ đạt 1.135,22 tỷ đồng (đạt 113,94%KH). Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 85,31 tỷ đồng, đạt 163,12%; chi ngân sách địa phương đạt 484,052/401,423 tỷ đồng, đạt 120,58% KH. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 1.269 tỷ đồng, đạt 100,58% KH…

Năm 2022, cơ cấu sản xuất mùa vụ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Tuy Đức đang phát huy lợi thế về một số nông sản đặc trưng như mắc ca, khoai lang, rau củ quả để tập trung thâm canh, phát triển, xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Toàn huyện hiện có khoảng 1.600 ha cây mắc ca cho năng suất tương đối ổn định, trở thành thủ phủ mắc ca của Đắk Nông với những lợi thế vượt trội về điều kiện sinh trưởng, năng suất và chất lượng.

Địa phương cũng đang duy trì ổn định khoảng 500 ha khoai lang. Bình quân, mỗi năm, cây trồng này mang thu nhập về cho địa phương khoảng 80 tỷ đồng.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức, năm 2022, Tuy Đức tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong năm, huyện có 15 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên 140 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ hơn 1.777 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện có 165 hộ đăng ký kinh doanh mới với tổng số vốn hơn 45,6 tỷ đồng, nâng tổng số hộ kinh doanh lên 2.798 hộ.

Mắc ca Tuy Đức đang rộng đường xuất khẩu sang châu Âu (ảnh: Đức Hùng)

Về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hiện nay huyện có 20 hợp tác xã đang hoạt động, tăng 4 hợp tác xã so với năm 2021. Các hợp tác xã ngày càng hoạt động hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho hội viên và xây dựng nông thôn mới.

Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn duy trì sản xuất ổn định và tăng lên về số lượng. Hiện nay, toàn huyện có 402 cơ sở sản xuất công nghiệp, tăng 21 cơ sở so với năm 2021. Một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ nên tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt khá. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng (theo giá hiện hành) đạt trên 518 tỷ đồng, tăng 12,29% so cùng kỳ.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn huyện năm 2022 ước đạt trên 1.528 tỷ đồng, đạt 100,35% kế hoạch, tăng 11,12% so với cùng kỳ; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt trên 927,98 tỷ đồng, đạt 121,87%, tăng 40,39% với cùng kỳ.

Khoai lang Tuy Đức đã trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện Tuy Đức (ảnh: Đức Hùng)

Sau đại dịch, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện cũng đã có nhiều khởi sắc. Lượng khách du lịch đến địa phương tăng cao so với nhiều năm trở lại đây.

Đặc biệt, Tuy Đức đã và đang bám sát đồ án quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 của tỉnh Đắk Nông để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, nhất là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như nông nghiệp công nghệ cao; du lịch, năng lượng tái tạo... để phục vụ cho mục tiêu phát triển.

Với những kết quả đạt được trong năm 2022 chính là tiền đề quan trọng để cán bộ, quân và dân huyện Tuy Đức tiếp tục vững tin, đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu dài hạn trong thời gian tới, xây dựng vùng biên vững chắc toàn diện.

Bước sang năm mới Quý Mão 2023, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Tuy Đức kính chúc toàn thể cán bộ, quân và dân tỉnh nhà một năm mới với nhiều thắng lợi mới.

Hà An