ĐBQH Đắk Nông đề nghị xem xét di dời đường dây truyền tải 500kV ra khỏi TP. Gia Nghĩa
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 6/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19; Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng
Quang cảnh kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra sáng 6/1
Tham gia thảo luận ở tổ, Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông khẳng định quy hoạch là nền tảng định hướng cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội từ cái chung cũng như cụ thể của cả nước và từng địa phương hay lĩnh vực. Tuy nhiên, trong thực tế thì tiến độ công tác quy hoạch tuy đã được đẩy nhanh nhưng việc triển khai quy hoạch, nhất là công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 trong hệ thống còn chậm. Sự phối hợp của các cơ quan trong việc triển khai công tác quy hoạch còn hạn chế, chưa đạt kết quả như mong muốn. Đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm để khắc phục nhanh tồn tại này.
Liên quan đến Đắk Nông, đại biểu Dương Khắc Mai đã thảo luận sâu ở từng lĩnh vực trong công tác quy hoạch.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng: hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang thực hiện việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030, phối hợp Bộ NN&PTNT lập quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia. Trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc về chỉ tiêu đất quy hoạch lâm nghiệp đến năm 2030, Trung ương phân bổ 292.981ha, chiếm 45% diện tích tự nhiên của tỉnh. Với chỉ tiêu này sẽ phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch, làm ảnh hưởng lớn tới thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn tới.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, quy hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho tỉnh Đắk Nông thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo sự hài hòa giữa cơ cấu diện tích đất lâm nghiệp và diện tích các loại đất khác nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn năm 2021 – 2030. Đề nghị quan tâm, xem xét phương án quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 theo đề xuất của tỉnh là 247.565 ha cho phù hợp với tình hình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sự hài hòa giữa cơ cấu đất lâm nghiệp và các loại đất khác, tạo điều kiện để quy hoạch sử dụng đất đạt hiệu quả, khai thác được tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tới.
Về Lĩnh vực năng lượng, để đảm bảo thực hiện được các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) đòi hỏi cấp bách phải có các giải pháp một cách toàn diện để giải quyết. Việt Nam nói chung và Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió để thay thế các nguồn năng lượng truyền thống, phát thải nhiều các bon. Trong thời gian gần đây, có thể nói các nguồn năng lượng mới này đang được phát triển mạnh ở nhiều nơi. Tuy nhiên do các cơ chế, chính sách, pháp luật chưa theo kịp với thực tế, chưa phù hợp với các vùng miền khác nhau. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật cho vấn đề này. Tôi xin nêu ví dụ nội dung cụ thể hiện nay còn vướng mắc.
Cụ thể, về cơ chế giá mua điện đối với các dự án điện gió trong đất liền theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng đối với các dự án được vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021.Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế giá mua điện mới, nhất là về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thay thế cơ chế giá mua điện theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo về nội dung nêu trên để khắc phục có khó khăn, vướng mắc cho các dự án chuyển tiếp, dự án mới.
Ngoài ra, theo định hướng phát triển năng lượng trong Quy hoạch tổng thể Quốc gia, các dự án ưu tiên phát triển có dự án “xây dựng, cải tạo lưới điện truyền tải 500 kV” (Nghị quyết 138/NQ-CP ngày 25/10/2022). Mặt khác, theo định hướng Quy hoạch tỉnh Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông phát triển 04 trung tâm đô thị; trong đó, phát triển đô thị Gia Nghĩa thành đô thị loại III (từng bước đạt các chỉ tiêu cơ bản của đô thị loại II). Do đó, để đảm bảo phát triển mỹ quan và an toàn đô thị, tỉnh Đắk Nông kính đề nghị Chính phủ xem xét di dời đường dây truyền tải 500kV ra khỏi thành phố Gia Nghĩa.
Đối với Lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản: Tỉnh Đắk Nông có nhiều loại khoáng sản, đặc biệt có trữ lượng và tài nguyên Bô xít lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, quy hoạch khoáng sản hiện nay còn nhiều tồn tại, gây không ít khó khăn cho việc thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như phát triển sản xuất, nhiều công trình giao thông không thể triển khai được vì đi qua khu vực quy hoạch khoáng sản. Vì vậy, đề nghị khi quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần quan tâm cân đối hài hoài giữa việc khai thác, bảo vệ tài nguyên quốc gia với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, việc triển khai quy hoạch, nhất là kế hoạch khai thác Bô xít cần phải xác định lộ trình cụ thể, rõ ràng, phù hợp để vừa đảm bảo việc quản lý đất rừng, diện tích che phủ rừng tại địa phương vừa đảm bảo ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân có đất nằm trong khu vực quy hoạch, khai thác khoáng sản, tránh tình trạng người dân thì không có đất canh tác nhưng đất thì lại bỏ hoang thời gian dài.
Đề nghị xem xét, bổ sung định hướng phát triển công nghiệp khai thác bôxít, chế biến alumin, luyện nhôm trong giai đoạn 2021-2030 (xây dựng tỉnh Đắk Nông là trung tâm công nghiệp bôxit-nhôm quốc gia). Tuy nhiên, khu vực quy hoạch khai thác chỉ tiến hành trên thân quặng đủ hiệu quả cho khai thác ở quy mô công nghiệp, các khu vực không phải thân quặng thì ưu tiên cho các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Ngoài ra, cần chú trọng đến việc bảo tồn Vườn Quốc gia Tà Đùng, thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (khu vực có trữ lượng bôxít).
Cuối cùng, một vấn đề có ảnh hướng quyết định đến sự phát triển của tỉnh, từ đó góp phần vào thực hiện thắng lợi quy hoạch vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung đó là: Đắk Nông có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và đã thực hiện thí điểm thành công dự án khai thác chế biến bô xít thông qua hiệu quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như Dự thảo Quy hoạch mới, tỉnh Đắk Nông được quy hoạch từ 4 đến 5 nhà máy Alumin và các nhà máy điện phân nhôm đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2030. Từ quy hoạch có thể thấy Đắk Nông là nơi hội tụ các điều kiện để hình thành ngành Công nghiệp nhôm của Quốc gia. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp nhôm cần rất nhiều điện đặc biệt là nguồn điện tại chỗ với giá cả đầu vào rẻ hơn để phát huy hiệu quả của các dự án. Do đó, tỉnh Đắk Nông rất cần Trung ương có định hướng, quy hoạch phát triển nguồn điện tại chỗ tại tỉnh Đắk Nông vừa phát huy hiệu quả ngành công nghiệp nhôm vừa để phát huy tiềm năng phát triển điện năng lượng tái tạo của địa phương. Để thực hiện khả thi Kết luận số 31-KL/TW ngày 07/3/2022 và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin – nhôm; phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Đắk Nông đề xuất Trung ương quan tâm đến vấn đề quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn điện tại chỗ vào Quy hoạch điện VIII để đầu tư cung cấp điện, có cơ sở đảm bảo tính khả thi cho các dự án khai thác bô xít, nhà máy điện phân nhôm và phát triển ngành Công nghiệp nhôm như định hướng của Trung ương.