Người giúp đào Nhật Tân khoe sắc ở Ðắk Nông
Kinh tế - Ngày đăng : 06:15, 06/01/2023
PV:Đào là loại cây phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở phía Bắc. Vậy vì sao anh lại quyết định mang nó vào trồng ở Đắk Nông ?
Anh Trần Đức Trung: Tôi quê ở Nam Định. Năm 2006, tôi vào Đắk Mil lập nghiệp bằng cách thuê đất trồng rau xanh. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, ngoài rau, tôi trồng thêm hoa.
Từ những vụ hoa Tết, tôi tiếp cận với đào Nhật Tân. Thấy nhu cầu thị trường Đắk Nông tiềm năng, nên tôi nhập hoa đào Nhật Tân về bán. Một số cây đào bán không hết tôi mang về trồng và thấy cây phát triển tốt, hoa đẹp. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng trồng đào Nhật Tân để phục vụ thị trường.
Anh Trung là một trong những người đầu tiên ở Đắk Nông sản xuất đào Nhật Tân phục vụ thị trường Tết |
Năm 2010, tôi nhập giống đào Nhật Tân về trồng để có đào bán dịp Tết và giảm chi phí vận chuyển. Tôi dành thời gian học hỏi kỹ thuật từ người bán giống, từ kinh nghiệm của những người trồng đào ở các vườn đào Nhật Tân.
Ngoài kiến thức sơ bộ đó, tôi phải tìm tòi, học hỏi trên nhiều tài liệu. Cái quan trọng nhất các nhà vườn chỉ cung cấp kỹ thuật cơ bản. Còn trên thực tế mình phải linh hoạt, không thể áp dụng máy móc được. Vì nó còn nhiều yếu tố khác như thời tiết, tuổi cây, thời gian hoa nở…
Đắk Nông là vùng đất màu mỡ, cây đào phát triển tốt, ít sâu bệnh. Ngoài ra, Đắk Nông có khí hậu ôn hoà, không quá lạnh, cũng không quá nóng, thời tiết khá dễ chịu vào dịp cuối năm.
Điều này giúp tôi chủ động thời gian xử lý đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Đây là một lợi thế lớn để cạnh tranh với người trồng đào Nhật Tân miền Bắc.
Đồ họa: Đ.H |
PV:Đào rất khó tính, kể cả trồng ở Nhật Tân. Vậy, để có vườn đào đẹp ở Đắk Nông, anh đã có những bí quyết gì ?
Anh Trần Đức Trung: Chăm sóc cây đào để đào nở hoa vào đúng dịp Tết không phải chỉ tác động vào giai đoạn cuối mà phải tác động trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây.
Ngoài các biện pháp chăm sóc như tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa tạo tán..., muốn cho cây đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật khoanh vỏ, vặt lá, cắt nước… vào dịp cuối năm.
Để nói cụ thể thì không năm nào giống năm nào. Vì tùy từng năm nhuận hay năm thường, phụ thuộc vào cây sinh trưởng tốt hay xấu để áp dụng.
Nói ngắn gọn vậy, nhưng mỗi giai đoạn, mỗi kỹ thuật xử lý đòi hỏi độ chính xác về thời gian, sự tỉ mỉ từng chi tiết. Nói đơn giản, tuốt lá phải tuốt từng lá, không được tuốt thẳng từ đọt xuống để tránh tổn thương đến mầm hoa. Việc tuốt lá phải bảo vệ mắt hoa ở cuối nách lá.
Còn kỹ thuật khoanh vỏ là biện pháp hãm cây nhằm hạn chế sự sinh trưởng, bắt cây chuyển sang giai đoạn ra hoa. Dùng dao sắc khoanh 1 vòng tròn 360o sâu tới phần gỗ của cây, day đi day lại 2 - 3 lần để tạo ra vết khoanh rõ rệt.
Cần khoanh vỏ vào buổi sáng ngày không mưa. Động tác khoanh vỏ chỉ thành công khi sau 1 ngày thấy nhựa cây đùn ra ở vết khoanh. Sau 2 ngày đến một tuần, lá đào hơi chuyển màu từ xanh đậm sang xanh nhạt và hơi rũ xuống là được.
Nếu lá vẫn chưa chuyển là chưa được, cần phải hãm lại bằng cách khứa thêm một vòng khác ở trên vết cũ. Nếu vẫn chưa được lại phải hãm lần thứ 3. Nói vậy, còn thực hành thì đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm nếu không dẫn đến chết cây.
Tôi thường xuyên theo dõi thời tiết, theo dõi tiến trình phát triển của cây đào để có những cách chăm sóc, hỗ trợ kịp thời. Tôi thường ghi lại những bất thường và cách xử lý rút kinh nghiệm cho những năm sau.
Vườn đào Nhật Tân của anh Trung rực rỡ mỗi độ vào xuân |
PV:Rõ ràng, anh đã có rất nhiều kinh nghiệm về trồng đào ở Đắk Nông. Theo anh, đâu là lợi thế và đâu là hạn chế khi trồng đào ở Đắk Nông?
Anh Trần Đức Trung: Trước hết, phải khẳng định rằng, hoa đào Nhật Tân của Đắk Nông có thể cạnh tranh được với hoa đào ở làng Nhật Tân và những vùng trồng hoa đào khác.
Đất đai ở Đắk Nông tốt, nên cây có lực, hoa sẽ to và đẹp. Việc còn lại phụ thuộc vào kỹ thuật của người trồng đào. Để một cây đào có thế đẹp, cành phát triển khỏe mạnh đòi hỏi các chủ vườn phải chăm sóc cẩn thận, kỹ lưỡng trong suốt cả một năm trời.
Công việc này yêu cầu những người trồng đào phải có kinh nghiệm, kỹ thuật cao, tỉ mỉ và đam mê. Một lợi thế lớn khi trồng hoa ở Đắk Nông là không phải chịu chi phí vận chuyển. Ngoài ra, quá trình vận chuyển làm hoa ít nhiều bị tác động, nguy cơ dập, héo hoa, gãy cành...
Ở Đắk Nông thời tiết nóng hơn phía Bắc. Do đó, muốn hoa đào nở đúng dịp Tết phải kỳ công chăm sóc hơn. Người Tây Nguyên và miền Nam chuộng chơi mai hơn đào. Thị trường tiêu thụ vì thế không tốt như ở miền Bắc.
Tôi đam mê trồng hoa đào Nhật Tân. Thấy nó khó trồng tôi lại thích, lại muốn chinh phục, tìm tòi nó. Khi thành công rồi, ưng ý rồi, tôi lại chuyển nhượng cho người khác chơi, lại tiếp tục đi chinh phục cây khác.
Tôi thích kiểu khám phá. Mỗi năm, qua thời tiết, cách chăm sóc hoa lại cho tôi thêm một ít kinh nghiệm để tự tin xử lý cây. Những năm qua, tôi chuẩn bị từ 100 - 200 gốc đào Nhật Tân phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Năm nay tôi có 100 gốc đào Nhật Tân phục vụ bà con chơi Tết.