Rượu cần Ðắk Nông đắt hàng “du xuân”
Đời sống - Ngày đăng : 09:40, 05/01/2023
Giữ nghề truyền thống
Ở bon Buzarah, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp), chị Thị Hà Ri Na được biết đến là người tâm huyết với nghề làm rượu cần truyền thống. Là người con M’nông, chị Thị Hà Ri Na được mẹ truyền nghề từ rất sớm. Sau khi lập gia đình và ra ở riêng, chị tiếp tục gắn bó với rượu cần để có thêm thu nhập và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Rượu cần là thức uống đặc trưng của đồng bào các dân tộc Đắk Nông |
Theo chị Thị Hà Ri Na, làm rượu cần không khó, song đòi hỏi người làm phải cẩn thận trong từng công đoạn. Rượu cần được ủ từ men lá và rễ cây rừng, nhờ cách ủ truyền thống cùng với men đặc trưng, sản phẩm rượu cần có đặc trưng riêng, mang hương vị của núi rừng.
Chị Thị Hà Ri Na chia sẻ: "Gắn bó với nghề này, ngoài thêm thu nhập, tôi còn bảo tồn được văn hóa truyền thống của dân tộc. Rượu cần giờ được người dân sử dụng nhiều hơn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán nên chúng tôi có điều kiện để tăng thêm thu nhập dịp cuối năm”.
Những ché rượu cần được đóng gói đẹp mắt, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2023 |
Chị H’Mai, bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) được biết đến là người có bí quyết làm rượu cần ngon. Trước đây, chị H’Mai làm rượu cần chỉ để phục vụ trong sinh hoạt gia đình. Từ năm 2007, chứng kiến bon tổ chức nhiều lễ hội mà không mua đủ rượu, chị đã nảy sinh ý tưởng làm nhiều hơn để bán. Nhờ có hương vị thơm ngon đặc trưng, rượu của chị H’Mai ngày càng được nhiều người biết đến và đặt mua với số lượng lớn.
Với chị H’Mai, bí quyết để làm rượu cần ngon, đúng hương vị của người Mạ phải bắt đầu từ khâu chuẩn bị ché. Ché sau khi đã vệ sinh sạch sẽ thì được tráng khử bằng nước nấu với lá rừng có tên là ryol, rồi đem phơi nắng. Đồng thời, men là nguyên liệu chính quyết định đến chất lượng của ché rượu cần. Loại men chị H’Mai sử dụng lấy từ cây r’môl và vỏ cây doong, một loại cây leo mọc ở rừng già rất khó kiếm. Sau đó, cây rừng được trộn với gạo (ngâm với nước qua đêm), ớt, muối, giã thành bột rồi đem phơi khô. Cơm rượu cần truyền thống được làm từ cơm nếp và cơm tẻ, ủ với men rừng cộng với một ít vỏ trấu, sau gần 2 tháng ủ là có thể dùng được.
Chị H'Yon tận dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh rượu cần người M'nông |
Chị H’Mai tâm sự: “Rượu cần là sản phẩm văn hóa vật chất, tinh thần của mỗi gia đình, cộng đồng. Trong các dịp Tết, lễ hội, rượu cần được dùng để dâng cúng thần linh, tiếp đãi bạn bè, khách quý phương xa. Ngoài giá trị vật chất, rượu cần còn là sợi dây liên kết, đoàn kết cộng đồng, giúp mọi người hiểu biết nhau hơn. Từ ý nghĩa ấy, tôi cố gắng gắn bó với nghề làm rượu cần, để bản sắc văn hóa của dân tộc không bị mai một”.
Rượu cần trở thành quà Tết
Những ngày này, nhà chị H’Yon, bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) tấp nập người ra vào đặt mua rượu cần đón Tết Nguyên đán năm 2023. Người ít thì mua một hai ché, người nhiều thì mua cả chục bình nên ngày nào gia đình chị cũng phải cắt cử người ở nhà để nhận đơn hàng của khách. Việc buôn bán cũng thuận lợi hơn khi gia đình chị H’Yon tận dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh của rượu cần M’nông.
Theo chị H’Yon, rượu cần ban đầu chỉ làm để phục vụ nhu cầu của gia đình, trong các lễ hội của bon. Nhiều năm nay do có nhiều người tìm đến hỏi mua nên gia đình chị làm với số lượng lớn, nhất là dịp cuối năm, số lượng lên đến cả trăm ché. Mỗi ché rượu có giá từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng, giúp gia đình có nguồn thu gần 40 triệu đồng vào dịp Tết.
Đến thời điểm hiện tại, chị H'Juel (bên phải) đã bán được khoảng 300 ché rượu cần |
“Trung bình mỗi tháng gia đình tôi bán ra khoảng 50 ché rượu cần, riêng dịp Tết Nguyên đán khoảng 100 ché. Rượu cần được nhiều người đặt mua vì gần 2 năm nay, chúng tôi sử dụng Facebook, Zalo… để giới thiệu, bán hàng. Gia đình cũng công khai quy trình sản xuất rượu, bảo đảm giữ nguyên hương vị đặc trưng nên nhiều người yên tâm đặt mua sử dụng”, chị H’Yon cho hay.
Tương tự, chị H’Juel, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cũng tranh thủ dịp Tết Nguyên đán để ủ rượu cần. Chị H’Juel nấu rượu theo công thức của người M’nông, bán với giá dao động từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng, nên vượt ra khỏi phạm vi của Đắk Nông, đến tay người tiêu dùng các tỉnh như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…
“Năm nay, nhu cầu mua rượu cần sử dụng dịp Tết cao hơn năm trước nên tôi đã bán được khoảng 300 ché. Để đáp ứng nhu cầu, tôi còn phát triển sản phẩm rượu cần ống tre, mang hương vị mới lạ, được mọi người phản hồi tích cực. Tôi rất vui vì đặc trưng của văn hóa M’nông được nhiều người biết đến hơn”, chị H’Juel chia sẻ.