Ðắk Glong chú trọng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc

Thời sự Đắk Nông - Ngày đăng : 09:13, 06/12/2013

Trong khuôn khổ thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc tại chỗ” của tỉnh, huyện Đắk Glong cũng đã xây dựng Đề án “Duy trì, bảo tồn các làng nghề, lễ hội truyền thống văn hóa dân tộc huyện”.

Trên cơ sở đó, ngành văn hóa huyện  đã triển khai công tác sưu tầm, phục dựng một cách khoa học, góp phần gìn giữ khá toàn diện các loại hình văn hóa truyền thống của địa phương.

Theo đó, các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện đến nay đã được chú trọng gìn giữ với 3 loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu như hoa văn - lễ hội, cồng chiêng và nhạc cụ dân gian.

Qua tổ chức kiểm kê các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, huyện đã phát hiện được thêm nhiều di sản cần bảo tồn như: lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ mừng công, lễ cúng thần rừng, lễ sum họp cộng đồng…

Vì vậy, huyện đã khôi phục thành công 10 lễ hội của dân tộc Mạ, đều có tính nhân văn cao. Những giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng cũng như hoa văn, lễ hội đặc sắc của địa phương ngày càng được chú ý bảo tồn và phát huy một cách có hệ thống, bài bản.

Đến nay, huyện đã tổ chức được 8 lớp dạy cồng chiêng tại 4 xã Đắk Som, Quảng Khê, Đắk R’măng và Quảng Sơn, thu hút hơn 400 lượt thanh niên, học sinh tham gia. Các lớp dạy dệt thổ cẩm, đan lát tre nứa, chế tác nhạc cụ… cũng được thường xuyên tổ chức và luôn có đông đảo người dân, thanh thiếu niên tham gia học tập.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện còn mở thêm các lớp dệt thổ cẩm, đan lát, hát dân ca...để hướng học sinh vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ngoài ra, để tạo môi trường cho hoạt động văn hóa dân gian được duy trì, phát triển, hàng năm, huyện thường xuyên tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, với các môn thi như: làm rượu cần ngon, ẩm thực dân gian, đan gùi, dệt thổ cẩm, dân ca, dân vũ, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc…

Hầu hết các xã, thôn, bon trong huyện đều có đội chiêng, đội hát dân ca, phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng và tham gia các hội thi, hội diễn. Điển hình như xã Quảng Khê đã thành lập được 1 đội văn nghệ dân gian, 1 câu lạc bộ cồng chiêng.

Qua đó, môi trường văn hóa có điều kiện phát triển lành mạnh, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã tiến hành bảo tồn di tích, sưu tầm, lưu giữ, phổ biến những tư liệu khảo cứu và các hiện vật đặc trưng của văn hóa tộc người M’nông, Mạ. Công tác bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc cũng được chú trọng.

Cụ thể, huyện đã mở 5 lớp học tiếng dân tộc (2 lớp tiếng M’nông, 2 lớp tiếng Mạ, 1 lớp tiếng Mông) cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn huyện, với hơn 474 lượt người tham gia. Qua việc dạy tiếng dân tộc thiểu số đã tạo điều kiện giao thoa về ngôn ngữ, chữ viết giữa các dân tộc với nhau thuận lợi hơn.

Kim Ngân