Thời sự

Kỳ họp bất thường của Quốc hội: Xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết

Nguyễn Hoàng 04/01/2023 21:32

Việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống.

Căn cứ Khoản 2 Điều 90 và khoản 1 Điều 92 của Luật Tổ chức Quốc hội, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, sau khi xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về các mặt và nội dung chuẩn bị do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV.

Theo dự kiến, sáng mai (5/1), Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội. Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 4 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 9/1/2023). Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo chương trình dự kiến, trước khi tham dự phiên khai mạc Kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội sẽ đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội sẽ có bài phát biểu khai mạc Kỳ họp. Sau đó, Quốc hội nghe các Tờ trình, báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Tờ trình đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Cũng theo dự kiến chương trình, ngày mai (5/1), Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có).

Phiên khai mạc được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp./.

Nguyễn Hoàng