Lò sấy cà phê ở Ðắk Nông lại... nhả khói
Pháp luật - Ngày đăng : 07:58, 23/11/2022
Hơn 1 tháng nay, gia đình chị H.N, ở bon Sar Pa, xã Thuận An (Đắk Mil), phải "chịu trận" vì lò sấy cạnh nhà nhả khói triền miên. Theo phản ánh của chị N, lò sấy này hoạt động suốt ngày đêm. Ngoài khói bụi, mùi hôi, lò sấy còn gây tiếng ồn rất khó chịu.
Một lò sấy cà phê ở thôn Phú Lợi, xã Đắk Nang (Krông Nô) nhả khói bụi mù mịt ra môi trường |
Tương tự, gia đình anh N.V.T, ở thôn Phú Lợi, xã Đắk Nang (Krông Nô) cũng than phiền: “Lò sấy cạnh nhà tôi hoạt động từ đầu vụ mùa. Do trời mưa, nhiều bà con không phơi cà phê được, nên lò này đông khách, khói mù mịt”.
Anh T.V.S, một tài xế xe dịch vụ phản ánh: “Tôi thường xuyên di chuyển trên quốc lộ 14, 28. Mùa này nhiều lò sấy ven đường phun khói như sương mù, khiến cho việc lái xe rất nguy hiểm. Tôi đã chứng kiến một số vụ va chạm giao thông do việc này gây ra".
Theo cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh Ðắk Nông có khoảng trên 450 lò sấy, rang xay cà phê các loại. Chỉ tính riêng ở huyện Ðắk Mil đã có trên 300 lò rang, sấy cà phê. Bình quân mỗi lò có công suất hoạt động khoảng 14 tấn/ngày. |
Các lò sấy cà phê hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Nguyên liệu của các lò sấy chủ yếu là củi và các phụ phẩm nông nghiệp như: cùi ngô, vỏ ngô, vỏ cà phê, bã mía...
Do đó, quá trình hoạt động, các lò sấy đều xả ra môi trường lượng khói, bụi rất lớn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, làm xáo trộn cuộc sống của nhiều gia đình.
Đặc biệt, tại khu vực có quốc lộ 14 và quốc lộ 28 đi qua, khói bụi từ các lò sấy bay ra đường khiến các phương tiện giao thông bị hạn chế tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, chính quyền các cấp và ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, xử lý, nhưng chưa mang lại hiệu quả.
Vào tháng 2/2022, các cơ quan chức năng đã xử phạt 3 chủ lò sấy cà phê ở Đắk Mil, với tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Cơ quan chức năng cũng đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với các lò sấy này. Thế nhưng, sau đó đâu lại vào đấy, các lò sấy vẫn hoạt động và nhả khói ra môi trường.
Thượng tá Trần Thanh Tuấn, Trưởng Công an huyện Krông Nô cho biết, trên địa bàn có khoảng 20 lò sấy nông sản. Để bảo đảm vệ sinh môi trường, Công an huyện Krông Nô đã phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra.
Lực lượng công an đã yêu cầu các chủ lò sấy này cam kết trong quá trình hoạt động phải bảo đảm chiều cao ống khói, bảo đảm tiếng ồn. Những cơ sở cũ, máy móc không bảo đảm, lực lượng công an sẽ phối hợp cơ quan chức năng yêu cầu di dời xa khu dân cư hoặc ngừng hoạt động theo quy định.
Theo cơ quan chức năng, việc xác định được lò sấy có gây ô nhiễm hay không, phải thuê đơn vị có chuyên môn quan trắc môi trường. Trên cơ sở kết quả quan trắc mới có cơ sở để xử lý.
Đối với những lò sấy gây ô nhiễm môi trường, thẩm quyền xử lý theo quy định hiện nay là chính quyền cấp xã. Do đó, hiệu lực, hiệu quả xử lý vi phạm có những lúc, những thời điểm chưa tốt.
Lò sấy cà phê chỉ hoạt động mang tính thời vụ, nên việc xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường thường rất khó khăn; thủ tục xử lý rườm rà.
Quyết định số 3733/2002/QÐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế đã quy định: “Khoảng cách an toàn của cơ sở gia công cà phê đối với khu dân cư là 100 m”. Tuy nhiên hiện nay, quy định này chưa được áp dụng vào thực tế ở Ðắk Nông. |