Bồi thường, cấp đất tái định canh, định cư liên quan đến Thủy điện Ðồng Nai 3: Tập trung xử lý dứt điểm những vướng mắc
Trật tự - Ngày đăng : 10:53, 19/01/2021
Theo phương án về việc bố trí đất tái định canh được UBND huyện Đắk Glong phê duyệt thì đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp có đất bị thu hồi, ngoài việc được tính bồi thường bằng tiền theo giá đất do UBND tỉnh quy định, còn được giao đất tái định canh theo hạn mức 1 ha/1 hộ, trừ các hộ có diện tích đất thu hồi dưới 0,3 sào. Tuy nhiên, đến nay, việc bố trí đất tái định canh cho các hộ vẫn chưa thực hiện xong, còn thiếu khoảng 257 ha.
Ông K'Drim một người dân trong xã cho biết, gia đình ông có 5 khẩu, 8 ha đất ở thôn 3, xã Đắk P'lao cũ. Khi thực hiện tái định cư, gia đình chỉ được cấp lại gần 4 sào nhưng lại ở vị trí không có nguồn nước, bất tiện cho việc sản xuất.
Cán bộ địa phương rà soát lại việc cấp đất tái định canh thiếu cho gia đình ông K'Drim, xã Đắk Plao (Đắk Glong) |
Không những thiếu hạn mức, nhiều diện tích đất được cấp còn rất khó khăn để sản xuất nông nghiệp vì không có nước tưới và đất quá dốc. Cụ thể như tại khu tái định canh 206 có diện tích 206 ha, nhưng hiện nay, khu vực này chỉ có khoảng 90 ha đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Lào ở xã Đắk P'lao (Đắk Glong) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có hơn 1 ha đất. Sau khi di dời về tái định cư, gia đình tôi được cấp 4 sào đất canh tác. Tuy nhiên, đất quá dốc không canh tác được nên tôi trả lại cho huyện. Đến năm 2019, tôi mới được địa phương cấp lại cho 1 ha đất canh tác”.
Ông K’Tam, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk P'lao (Đắk Glong) thông tin, việc thực hiện tái định canh gặp nhiều khó khăn tại vị trí khu 206. Ở đây, nước tưới không có, chỉ có một số hộ có điều kiện thì khoang giếng để tưới. Một số hộ khó khăn, hộ nghèo không có điều kiện khoang giếng nên hầu như phải chờ nước mưa...
Một số diện tích đất tái định canh ở xa và không có nguồn nước tưới gây khó khăn, trở ngại cho các hộ dân |
Theo UBND huyện Đắk Glong, việc cấp đất tái định canh gặp nhiều trở ngại do địa phương không còn quỹ đất phù hợp, đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp để chia cho người dân. Vì vậy, UBND huyện Đắk Glong đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương hỗ trợ bằng tiền để người dân tự mua đất hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, đối với việc bồi thường, hỗ trợ cây mai, cây dứa trồng trước thời điểm UBND tỉnh ban hành quyết định về việc thu hồi tổng thể 1.264 ha đất phục vụ công trình thủy điện Đồng Nai 3, UBND huyện Đắk Glong đề xuất bồi thường cho các hộ dân.
Đối với những vướng mắc, sai phạm trong công tác bồi thường, giao đất tái định cư, vừa qua UBND tỉnh đã chỉ đạo xử lý cụ thể đối với từng vụ việc. Trong đó, đối với vụ việc 11 trường hợp không nằm trong danh sách được giao đất tái định cư nhưng lại được bố trí đất tái định cư, các trường hợp chưa làm nhà thì thu hồi đất giao cho UBND xã Đắk P'lao quản lý. Những hộ đã làm nhà, UBND tỉnh sẽ xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy xem xét, đồng ý chủ trương giao đất ở có thu tiền sử dụng đất. Về việc xử lý 35 hộ dân không thuộc đối tượng được hỗ trợ đất tái định canh nhưng Ban Quản lý Dự án thủy điện 6 trước đây đã cho bốc thăm nhận đất với diện tích 19,5 ha do đa số các hộ dân trên là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và hiện đã sản xuất ổn định, nếu cưỡng chế thu hồi thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của đồng bào, ảnh hưởng đến an ninh chính trị ở địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh sẽ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xem xét hướng giải quyết. Riêng về việc xử lý 42 hộ dân trong khu vực Vườn Quốc gia Tà Đùng dù đã tuyên truyền vận động nhiều lần nhưng không chịu di dời về nơi ở mới, UBND tỉnh giao UBND huyện Đắk Glong và Sở Nông nghiệp-PTNT nghiên cứu xem xét phương án cụ thể về vị trí lập khu tái định cư xen ghép tại xã Đắk Som, cũng như phương án sản xuất của người dân phù hợp với việc quản lý, bảo vệ rừng trình UBND tỉnh quyết định.