Trên quê hương Nâm Nung anh hùng

Văn hóa - Ngày đăng : 17:22, 01/02/2021

Phát huy truyền thống anh hùng, Ðảng bộ, chính quyền và người dân xã Nâm Nung (Krông Nô) luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên mạnh mẽ, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Thay đổi tư duy làm ăn

Một trong những ngôi nhà bề thế, khang trang nhất ở bon Yok Ju là của ông Phạm Văn Thanh. Năm 2010, ông mua 8 ha đất để trồng 6 ha cao su, 2 ha cà phê nhưng rồi không mấy hiệu quả vì canh tác, chăm sóc thiếu khoa học. Bên cạnh đó, ông nhận thấy nếu chỉ chuyên về 2 loại cây này dễ thất bại, vì giá cả thị trường lên xuống thất thường.

Ông Thanh cho biết: “Chăm sóc cây trồng theo truyền thống, với 8 ha cao su và cà phê chỉ cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng, không mang lại hiệu quả so với công sức, vốn liếng mình bỏ ra. Do vậy, tôi quyết định chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi thêm để bổ trợ cho nhau khi thị trường nông sản bấp bênh”.

Thay đổi tư duy làm ăn, năm 2016, ông phá bỏ 3 ha cao su để trồng giống cà phê xanh lùn, xen với 400 cây sầu riêng và chăn nuôi 30 con dê, 100 con gà. Việc chăm sóc vườn cây được gia đình ông áp dụng công nghệ sinh học, nên cho hiệu quả kinh tế, thu nhập gấp 3 lần. Từ vườn cây, kết hợp với chăn nuôi, trừ chi phí, hàng năm mang lại thu nhập cho gia đình ông 1 tỷ đồng.

Anh Lang Thế Thành, người dân tộc Thái ở thôn Thành Thái cũng thay đổi tư duy làm kinh tế, hội nhập thị trường. Ngoài sản xuất 5 ha cà phê, anh còn kết hợp kinh doanh dịch vụ để mang lại nguồn thu nhập cao. Anh tổ chức chế biến sản phẩm cà phê, bảo đảm chất lượng cao, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động địa phương.

Mô hình chế biến cà phê chất lượng, mang lại nguồn thu nhập cao cho anh Lang Thế Thành.

Cơ sở của anh Thành bình quân hàng năm tiêu thụ 80 tấn cà phê nhân thành phẩm cho 40 hộ dân. Việc sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế đã nâng cao giá trị sản phẩm, mỗi tấn bán được 45-50 triệu đồng, trong khi bình thường chỉ có giá 33 triệu đồng/tấn. Việc kết hợp giữa tổ chức sản xuất với tổ chức kinh doanh, trừ chi phí mang lại thu nhập cho anh bình quân hàng năm trên 900 triệu đồng.

Ngoài 2 hộ kể trên, nhờ thay đổi tư duy sản xuất mà xã Nâm Nung có 111 hộ thu nhập bình quân từ 450 triệu - 2 tỷ đồng/năm và hàng chục hộ thu nhập 200-350 triệu đồng/năm. Điển hình như các hộ ông Y Thanh, Lữ Văn Hùng hàng năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng; Nguyễn Văn Tùng 2 tỷ đồng/năm.

Khá giả hơn xưa bội phần

Đi dọc theo tuyến đường liên xã Nâm N’đir về Nâm Nung, chúng tôi quan sát có nhiều đổi thay tích cực trong cuộc sống của người dân. Suốt chiều dài của tuyến đường vào xã hơn 1 km, nhà cửa mọc san sát và khang trang. Những ngôi nhà của người dân vừa mới xây dựng, ai cũng khẳng định giá trị hơn 1 tỷ đồng, thậm chí vài tỷ đồng. Điều này chứng tỏ, cuộc sống của người dân xã Nâm Nung khá giả hơn xưa gấp bội phần.

Ông K’Hoàng ở bon Yok Ju, năm nay 77 tuổi, người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cho biết: “So với ngày xưa, người dân Nâm Nung bây giờ đủ đầy, ăn ngon mặc đẹp, cuộc sống sung túc, không còn đói rách lam lũ nữa. Hiện giờ, nhiều gia đình có tiền tỷ, có tài sản lớn, có xe hơi. Có được như vậy, người dân địa phương biết học hỏi, cần cù, sáng tạo trong cách làm ăn, phát triển trồng trọt kết hợp với chăn nuôi".

Ông Đinh Xuân Phụng, Bí thư Đảng ủy xã Nâm Nung cho hay: “Một trong những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Nâm Nung đạt được chính là phát triển kinh tế vững mạnh, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại. Những gia đình còn khó khăn cũng luôn cần cù học hỏi nhằm nỗ lực vươn lên thoát nghèo".

Theo thống kê, tổng giá trị sản xuất năm 2020 của xã đạt 622 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với 5 năm trước đây và thu nhập bình quân đầu người đạt 41,5 triệu đồng/năm.

Phạm Khánh