Khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tạo đà đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững
Văn hóa - Ngày đăng : 17:48, 01/02/2021
Vượt qua khó khăn, hoàn thành “mục tiêu kép”
Năm 2020, kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, bất lợi, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, dịch bạch hầu và thiên tai, bão lũ; giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh tiếp tục giữ ở mức thấp. Thế nhưng, nhờ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, UBND tỉnh đã quán triệt và thực hiện thành công “mục tiêu kép” là vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm, tỉnh đã xây dựng, cải tạo được 46 km đường, nâng tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh từ 63,5% lên 65%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch 64%). Tỷ lệ nhựa hóa đường huyện đến nay là 498 km, đạt 100%. Hệ thống hạ tầng cấp điện được đầu tư xây dựng, cải tạo và vận hành ổn định. Số hộ được sử dụng điện của tỉnh ước đạt 99%. Số thôn, buôn có lưới điện quốc gia đạt 100%.
Hệ thống thủy lợi tiếp tục phát triển, đáp ứng nước tưới trên 80% diện tích canh tác có nhu cầu tưới. Năm 2020 có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế đạt 22 xã, bình quân mỗi xã đạt 15 tiêu chí nông thôn mới. Hiện nay có 2 đơn vị đang hoàn thiện các điều kiện theo quy định để được công nhận là huyện nông thôn mới là thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’lấp.
Công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính luôn được lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh tiện lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững. Tỉnh đã tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đặc biệt là tổ chức thành công Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II gắn với Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và chuỗi các hoạt động văn hóa, quảng bá du lịch năm 2020.
Quy mô ngành giáo dục toàn tỉnh tiếp tục phát triển, chất lượng được nâng cao. Trong năm, toàn tỉnh đã có thêm 20 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng lũy kế có 159 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh được triển khai kịp thời, hiệu quả, nhất là dịch Covid-19 và dịch bệnh bạch hầu, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào dương tính với dịch Covid-19.
Với sự tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện nay còn dưới 7%, giảm trên 3,5% so với năm 2019. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn 31,59%, giảm 4%. Toàn tỉnh đã tạo việc làm mới và tăng thêm việc làm cho gần 18.000 lượt người.
Công tác đối ngoại được Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai toàn diện và đạt nhiều kết quả tích cực. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham quan mô hình phát triển hoa lan ở xã Đắk Ha (Đắk Glong). Ảnh: Phan Tuấn |
Nhận diện những tồn tại, thách thức
Tuy nhiên, kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục. Trước hết, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP chậm hơn cùng kỳ và thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng năm 2020. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của tình hình đại dịch Covid-19 và chưa quyết liệt triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội.
Một số sản phẩm công nghiệp giảm, sức cạnh tranh các sản phẩm còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh vẫn giữ mức giá thấp, chất lượng chưa cao. Ngành dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19, dẫn đến các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ giảm.
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra mà nguyên nhân chủ yếu là do năng lực triển khai của chủ đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, quản lý, điều hành triển khai dự án còn yếu kém. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, ách tắc.
Tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm, mua, bán đất rừng trái pháp luật, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra nhỏ lẻ ở các địa bàn, nhưng việc phát hiện, xử lý chưa kịp thời, thiếu cương quyết, nhất là hành vi phá rừng dọc quốc lộ 14, quốc lộ 28.
Kế thừa những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế, quyết tâm vượt qua thách thức, tận dụng mọi thời cơ, tiềm năng, lợi thế để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên triển khai các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch mới của Đảng và Nhà nước; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Đồng thời 2021 là năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp.
Thế nhưng, dự báo tình hình vĩ mô năm 2021 vẫn diễn biến khó lường và nhiều khó khăn thách thức. Dịch bệnh Covid-19 chưa thể sớm kết thúc và hậu quả còn kéo dài. Trên địa bàn tỉnh, tình hình giá cả nông sản chủ lực vẫn chưa có nhiều chuyển biến, thời tiết, khí hậu biến đổi khó lường. Các dự án dự kiến đầu tư mới chủ yếu đang trong giai đoạn khởi động, chuẩn bị đầu tư. Nguồn vốn đầu tư trung ương hỗ trợ cho tỉnh giảm so với năm 2020 (do kinh tế vĩ mô suy giảm)...
Do đó, nhiệm vụ của năm 2021 là rất nặng nề, vừa phải cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, vừa phải tích cực chuẩn bị các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch... để triển khai các kết luận, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cho cả nhiệm kỳ. Điều này đòi hỏi phải có sự nỗ lực tối đa, sự đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế theo công bố của Tổng cục Thống kê duy trì ở mức khá, đạt 4,65%, xếp thứ 2/5 khu vực Tây Nguyên, cao hơn mức bình quân chung toàn quốc; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,19%; 730 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới, tăng trên 12%, với tổng vốn đăng ký gần 13 ngàn tỷ đồng, tăng 160%. |
Tập trung 7 khâu trọng điểm
Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã quyết nghị, thông qua mục tiêu của năm 2021 là: “Phấn đấu đạt cao các chỉ tiêu, đặt bản lề, tạo động lực để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025”.
Cụ thể một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra cho năm 2021 là: Tăng trưởng GRDP đạt trên 7,18%; GRDP bình quân đầu người đạt 50,62 triệu đồng; Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 2.750 tỷ đồng, phấn đấu đạt 3.000 tỷ đồng; Tỉ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh đạt 66%; Tỉ lệ bảo đảm nước tưới cho diện tích cần tưới đạt 81%; Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 2% trở lên, riêng tỉ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% trở lên; Thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế 31 xã); Số tiêu chí bình quân mỗi xã trở lên đạt 16 tiêu chí.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên và thực hiện phương châm hành động năm 2021 của Chính phủ là: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”, UBND tỉnh đề ra giải pháp trọng tâm trong chỉ đạo điều hành như sau:
Thứ nhất: Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để tổ chức thành công bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quyết liệt, hành động khẩn trương để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai: Tiếp tục thực hiện linh hoạt, có hiệu quả “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ ba: Tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó trọng tâm là các dự án lớn, trọng điểm, có đóng góp lớn đối với tăng trưởng và có sự lan tỏa, gồm: Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị, chế biến nông, lâm sản nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; phát triển du lịch trên nền tảng lợi thế tự nhiên, Công viên địa chất Đắk Nông...
Thứ tư: Tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, tạo chuyển biến rõ nét. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính đặc biệt trong lĩnh vực thuế, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, kho bạc Nhà nước, bảo hiểm xã hội…
Thứ năm: Đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hoàn thành xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, rà soát, sửa đổi quy trình đầu tư để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, sớm triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả dự án. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông trọng điểm, liên kết vùng, hạ tầng trung tâm đô thị.
Thứ sáu: Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu trong lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, chú trọng thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công; công tác xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Thứ bảy: Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm, khu vực biên giới, xây dựng khu vực phòng thủ các cấp vững chắc, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng.
Chặng đường sắp tới sẽ còn nhiều gian nan, nhưng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng với khí thế quyết tâm đổi mới và khát vọng vươn lên, tôi tin chắc chúng ta sẽ thành công với mục tiêu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên theo như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Xin chúc đồng bào, chiến sĩ năm mới 2021, Xuân Tân Sửu thắng lợi, nhiều thành công mới, an khang thịnh vượng!.