"Cà phê Tây Nguyên" - Thương hiệu quý hơn vàng
Văn hóa - Ngày đăng : 06:30, 13/02/2021
Am hiểu về cà phê Tây Nguyên, mới thấy hạt cà phê không chỉ nằm ở giá trị về kinh tế mà nó còn chứa đựng cả bản sắc văn hóa của vùng đất bazan màu mỡ. Trong không gian mênh mang và đậm nắng gió, hạt cà phê thấm đẫm khí chất của vùng đất, con người Tây Nguyên.
“Cà phê Đặc sản”- nâng tầm cà phê Tây Nguyên
Những năm qua, bên cạnh nỗ lực của ngành nông nghiệp các địa phương, nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp với tất cả tâm huyết đã thổi làn gió mới vào sản xuất cà phê Tây Nguyên. Nhiều “cánh đồng mẫu sản xuất cà phê” đã hình thành, đi đôi với việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như: 4C, UTZ, Organic, Fair trade... Đặc biệt còn có sự xuất hiện của sản phẩm cà phê đặc sản…
Những ngày cuối năm, chúng tôi trở lại thôn 4, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), gặp ông Hoàng Châu Hồng. Ông là người đầu tiên sản xuất thành công sản phẩm "Cà phê Đặc sản" của tỉnh Đắk Nông.
Trong bộ đồ lao động giản dị, ông Hồng đưa chúng tôi đi thăm vườn cà phê và vui vẻ khoe những dụng cụ, máy móc chế biến cà phê mới sắm thêm. Nói về sản phẩm "Cà phê Đặc sản", ông Hồng cho hay, khái niệm "Cà phê đặc sản" bao hàm các yếu tố cấu thành như: cà phê được chăm sóc hoàn toàn hữu cơ; chế biến đúng cách và pha đúng cách.
Ông Hoàng Châu Hồng, ở thôn 4, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) tạo môi trường sinh trưởng của cây cà phê hoàn toàn tự nhiên |
Theo ông Hồng, để làm nên sản phẩm "Cà phê Đặc sản", ngoài chăm sóc theo quy trình hữu cơ, hạt cà phê phải trải qua nhiều công đoạn chế biến khắt khe, nghiêm ngặt. Hạt cà phê khi thu hái phải bảo đảm độ chín đạt 100%, thu hái đúng thời điểm, khi hạt chín vừa phải.
Sau đó, cà phê được tiến hành lên men để tạo hương vị. Công đoạn này cần có sự kiên nhẫn vì phải mất từ 4 - 6 ngày phơi nắng, rồi ủ lại… Ông Hồng cho biết: "Để nhận biết hạt cà phê lên men thế nào, tôi phải dùng khứu giác để đánh giá. Công đoạn này nếu không cẩn thận, cà phê sẽ bị thối ẩm, nấm mốc tấn công”.
"Cà phê Đặc sản" hoàn toàn khác với cà phê hữu cơ và phát triển "Cà phê Đặc sản" phải gắn với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Người dân phơi lên men cà phê |
Từng bước khẳng định chất lượng
Cây cà phê từ lâu đã giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên. Để khẳng định điều này, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk vào tháng 9/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng: “Cà phê Tây Nguyên là thương hiệu quý hơn vàng, nên phải gìn giữ”.
Ông Hoàng Châu Hồng tạo nên thương hiệu "Cà phê Đặc sản Đắk Nông" |
Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Đắk Nông, với sự cố gắng của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và người dân, "bức tranh" sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn đã có nhiều gam màu sáng.
Trong đó, ngành chế biến cà phê đã được đầu tư với quy mô lớn, chế biến sâu sản phẩm cà phê nhân phục vụ xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư các công nghệ chế biến cà phê bột chất lượng cao, có thương hiệu, uy tín trên thị trường như: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong (thương hiệu Cà phê Dano), Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông (thương hiệu Cà phê Enjoy), HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (thương hiệu Cà phê Đắk Đam)…
Các sản phẩm cà phê sau chế biến này đã mang lại giá trị hàng hóa cao, đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng như khẳng định thương hiệu cà phê Đắk Nông trên thị trường.
Sản phẩm "Cà phê Ðặc sản" của ông Hoàng Châu Hồng, thôn 4, xã Nhân Cơ (Ðắk R’lấp), được các chuyên gia đánh giá xuất sắc, mùi thơm đậm đà, cường độ mạnh, kéo dài, khi pha với nước nguội vẫn thơm ngon. Hiện nay, giá bán "Cà phê Ðặc sản" dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, cao gấp hàng chục lần so với giá cà phê trên thị trường hiện nay. |
Tây Nguyên đang vào xuân! Văng vẳng bên tai câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tất cả cùng chia sẻ với tách cà phê thơm nồng, thấm đượm mồ hôi, tình yêu thiên nhiên, tinh thần cần cù, vượt khó của những người con Đam San, của những cộng đồng Ê đê, Jarai, M’nông, Ba na, Kinh… Hạt cà phê trở thành cầu nối đưa Tây Nguyên đến với thế giới và kéo gần cả thế giới về đây trong không khí lễ hội cồng chiêng, trong không gian đậm chất sử thi, giàu sắc thái huyền thoại và di sản của đại ngàn Tây Nguyên”…