Nhận thức và kỳ vọng vào công nghiệp văn hóa
Văn hóa - Ngày đăng : 05:54, 02/01/2023
Từng bước hình thành
Thực hiện Quyết định số 1755, ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong 5 năm qua, tỉnh Đắk Nông đã chú trọng đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Tỉnh tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa. Ngành công nghiệp văn hóa đang trong quá trình hình thành, góp một phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh có 29 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Ngoài diện tích cụm pano tấm lớn được sử dụng để tuyên truyền nhiệm vụ chính trị thì 70% diện tích dành cho việc quảng cáo thương mại. Các đơn vị của tỉnh đã phát hành, in sang các phim do Cục Điện ảnh cấp để phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số, người dân các xã vùng sâu, vùng xa. Đội chiếu bóng thuộc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh đã in, phát hành và cấp cho cơ sở được 301 đĩa với các thể loại: phim tài liệu, thời sự, ca nhạc, hoạt hình, các tư liệu liên quan về di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh còn khai thác thêm những nguồn phim có ý nghĩa giáo dục, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt và mô hình làm kinh tế giỏi… để tuyên truyền, giới thiệu cho khán giả, người dân, nhất ở vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số...
Đắk Nông phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông |
Tỉnh Đắk Nông tổ chức nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị với tổng số hơn 100 buổi. Tiêu biểu như Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam, Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày khai thông Đường hành lang chiến lược Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Đắk Nông, Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam... Hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm luôn được quan tâm, nhất là chú trọng đến việc khuyến khích các hoạt động sáng tác, triển lãm, các cuộc thi, liên hoan... tạo điều kiện cho mọi người dân thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Các hội thi, trưng bày, triển lãm ảnh, mỹ thuật luôn bám sát chủ đề, các sự kiện lịch sử, thành tựu đổi mới của tỉnh và đất nước đã kịp thời phục vụ công chúng, góp phần nâng cao mức hưởng thụ nghệ thuật của người dân và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Trong lĩnh vực Du lịch, ngoài lợi thế về khí hậu, cảnh quan, Đắk Nông có sự đa dạng về tài nguyên du lịch văn hóa, lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc. Đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được vinh danh, mở ra nhiều cơ hội để tỉnh phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Trên cơ sở các thế mạnh sẵn có, Đắk Nông đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án về khuyến khích hỗ trợ đầu tư, ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Địa phương thường xuyên tổ chức và tham gia các sự kiện, hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch để tạo điểm nhấn góp phần phát huy các giá trị để phát triển du lịch. Chỉ tính trong năm 2022, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động du lịch của Đắk Nông đã đạt được nhiều tín hiệu khả quan, với tổng 512.500 lượt khách du lịch đến tỉnh, tăng 306,4% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng khách quốc tế ước đạt 2.000 lượt, tăng 286%. Tổng doanh thu ngành Du lịch đạt 65 tỷ đồng, tăng 240,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa được gìn giữ, phát huy, làm nền tảng phát triển ngành công nghiệp văn hóa |
Phát triển văn hóa, du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn
Theo đánh giá của tỉnh, các ngành công nghiệp văn hóa vẫn đang trong quá trình hình thành, mục tiêu doanh thu đóng góp 3% vào GDP của tỉnh và tạo nhiều việc làm cho xã hội vào năm 2020 chưa thực hiện được. Nguyên nhân được xác định là nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên việc đầu tư hạ tầng dịch vụ văn hóa, du lịch chưa thật đồng bộ, nên khó giữ chân du khách.
Trong thời gian tới, Đắk Nông tập trung thực hiện một số giải pháp để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển tương xứng với tiềm năng, nhất là bảo tồn, phát triển văn hóa, du lịch thành điểm đến hấp dẫn.
Ngoài những dự án du lịch trọng điểm đã được quy hoạch và đầu tư hạ tầng trong giai đoạn 2006 - 2020, hiện nay Đắk Nông đang gấp rút hoàn thiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án khu du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm tại hồ Tà Đùng và khu vực lân cận để tích hợp vào Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2050. Đồng thời, tỉnh rà soát những vị trí, địa điểm có tiềm năng du lịch để bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Đi đôi với đó, địa phương huy động các nguồn lực hoàn thiện và nâng cấp, đa dạng hóa dịch vụ các khu, điểm du lịch trọng điểm đã có chủ trương đầu tư cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ để nâng cao chất lượng, đồng thời khảo sát, xây dựng các tour du lịch mới.
Cùng với tỉnh Bình Phước, Đắk Nông đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa để tăng cường kết nối, liên kết vùng, thu hút khách du lịch từ vùng kinh tế trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ. Đắk Nông tăng cường hợp tác với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, khu vực Nam Trung bộ, TP. Hồ Chí Minh… nhằm mở rộng thị trường du lịch.
Công tác giới thiệu, quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người Đắk Nông tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức và tham gia các sự kiện lớn, chương trình của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, Châu Á Thái Bình Dương và Việt Nam.
Các chính sách ưu đãi, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như nghệ thuật biểu diễn, sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa được xây dựng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.