Ðổi thay ở xã An toàn khu Quảng Trực

Đời sống - Ngày đăng : 04:30, 01/09/2022

Những năm qua, bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, tạo đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bà con đồng bào các dân tộc xã Quảng Trực (Tuy Đức) đã không ngừng nỗ lực, vượt khó. Đời sống người dân ngày càng khởi sắc, góp phần đưa diện mạo mảnh đất vùng biên phát triển ngày một bền vững hơn.

Tiếp nối những truyền thống

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Quảng Trực được xác định là khu vực có địa hình, địa thế, chính trị, quân sự quan trọng, bảo đảm an toàn cho hoạt động lãnh đạo, chỉ huy tuyến hành lang tiếp tế Bắc-Nam, là nơi gây dựng, phát triển phong trào cách mạng.

Với truyền thống lịch sử vẻ vang, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, ngày 27/5/2019, xã Quảng Trực đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã An toàn khu và đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Trải qua muôn vàn khó khăn nhưng bà con Nhân dân, thế hệ trẻ xã biên giới Quảng Trực vẫn luôn tự hào về vùng đất cách mạng oanh liệt một thời. Theo bà Thị Nớ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực, đây chính là niềm tin, động lực để Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã biên giới Quảng Trực tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế, đoàn kết chung sức, đồng lòng xây dựng vùng biên giới ổn định, hòa bình và phát triển hơn.

Một góc xã An toàn khu Quảng Trực

Trước những thành quả mà cấp ủy, chính quyền xã Quảng Trực đã đạt được trong thời gian qua, là thế hệ trẻ hôm nay, anh Mạc Văn Mạnh, Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự xã Quảng Trực cảm thấy hãnh diện khi là người con của quê hương Quảng Trực.

Anh Mạc Văn Mạnh chia sẻ: “Tiếp bước truyền thống của cha anh đi trước, chúng tôi cùng với những bậc lão thành tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị của độc lập, dân tộc, từ đó có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ quê hương. Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước của địa phương diễn ra sôi nổi. Từ đó khẳng định sự nối tiếp truyền thống anh hùng, đưa Quảng Trực xứng đáng là xã An toàn khu anh hùng”.

Đời sống được nâng cao

Qua nhiều năm lao động vất vả, vài năm gần đây, kinh tế gia đình ông Điểu Toi ở bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực đã khá giả hơn nhiều. Năm 2012, thông qua Dự án làng biên giới, gia đình ông Điểu Toi đã được hỗ trợ 1 căn nhà kiên cố, trị giá 40 triệu đồng. Cũng trong năm 2012, gia đình ông được hỗ trợ 1 ha đất sản xuất, 350 cây giống mắc ca và 2 con bò từ chương trình giảm nghèo bền vững.

Có đất, gia đình tập trung làm ăn, phát triển kinh tế. Vụ vừa qua, với 2 tấn cà phê nhân, 1 tấn mắc ca tươi, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Điểu Toi thu nhập không dưới 70 triệu đồng. Khi kinh tế gia đình phát triển trong sự đổi thay của bon làng, ông Điểu Toi cảm thấy rất phấn khởi và an bình nơi biên giới.

Ông Điểu Toi chia sẻ: “Gắn bó với mảnh đất này từ thời ông bà, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi của xã Quảng Trực từng ngày. Không chỉ đường giao thông, các công trình công cộng được làm mới, Nhà nước còn hỗ trợ bà con đồng bào nơi đây làm ăn, từng bước thoát nghèo. Hiện nay gia đình tôi không còn chạy ăn từng bữa, những đứa con, đứa cháu trong nhà cũng được cho đi học để sau này không phải khổ như thế hệ đi trước nữa”.

Theo đánh giá của UBND xã Quảng Trực, nhờ sự quan tâm, đầu tư đồng bộ mà đời sống người dân đổi thay, diện mạo bon làng cũng được khoác lên mình chiếc áo mới. Hạ tầng cơ sở được đầu tư, nâng cấp ngày càng hiện đại, nhất là đường giao thông được bê tông hóa đến tận thôn, bon và nội đồng, tạo điều kiện cho người dân đi lại, thông thương hàng hóa được thuận lợi, đời sống người dân ngày càng nâng cao.

Hệ thống đường giao thông tại xã Quảng Trực tiếp tục được đầu tư, nâng cấp

Còn anh Lê Văn Hưng ở xã Quảng Trực cho rằng, diện mạo mới của xã vùng biên Quảng Trực, một phần có được là nhờ giao thông ngày càng được quan tâm, nâng cấp. Chỉ vài năm trước, tuyến đường nối từ xã Quảng Trực với trung tâm huyện Tuy Đức vẫn còn chằng chịt ổ gà, ổ voi. Cũng vì tuyến đường xuống cấp, hư hỏng nên việc đi lại, mua bán, giao thương của người dân bị ảnh hưởng. Chính vì thế, từ khi được nâng cấp, sửa chữa, con đường liên huyện đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương, thu hút nhiều hơn những nhà đầu tư đến với xã Quảng Trực.

Ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực khái quát, xã Quảng Trực hiện có hơn 3.100 hộ, đến hết năm 2021, toàn xã có 964 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 30,80%, giảm 19,08% so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng cải thiện, nâng cao, cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xây dựng địa phương phát triển bền vững.

“Để giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, xã Quảng Trực tiếp tục triển khai các đề án, chương trình đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được phê duyệt, trong đó tập trung phát triển cây mắc ca trở thành cây chủ lực của địa phương. Hy vọng trong thời gian tới, kinh tế - xã hội của xã Quảng Trực tiếp tục đạt được thành tựu lớn hơn, xứng đáng với truyền thống anh hùng của xã”, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực nhấn mạnh.

Tín hiệu vui từ cây mắc ca

Gần 10 năm trước, cây mắc ca bén rễ tại vùng đất biên giới xã Quảng Trực. Sau quãng thời gian “thử thách”, thương hiệu mắc ca Quảng Trực dần định hình, đồng thời phá thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương này.

Cũng nhờ cây mắc ca, lao động địa phương có thêm sinh kế, nhiều hộ gia đình còn có kinh tế khá giả nhờ trồng “nữ hoàng của các loại hạt”.

Bà Ngô Thị Hoài Thu ở bon Đắk Huýt phấn khởi khoe, căn nhà mái Thái được xây dựng năm ngoái của gia đình, một phần là nhờ sản xuất mắc ca. Với hơn 130 gốc, mỗi năm bà Thu thu được hơn 2 tấn quả mắc ca tươi, với giá bán dao động từ 85.000-95.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm. Hiện gia đình bà Thu đã mở rộng thêm diện tích và có thêm 300 gốc mắc ca sắp cho thu bói.

“Ban đầu tôi chỉ trồng xen canh mắc ca vào vườn cà phê vì đây là cây trồng mới, chưa được trồng đại trà tại địa phương. Nhiều năm kiên trì chăm sóc, tưới tắm, đến nay hạt mắc ca thu hoạch đều được các đầu mối thu mua với giá cả ổn định. Nếu so với các cây trồng khác, mắc ca dễ trồng và ít tốn công hơn, lợi nhuận hàng năm thu được cũng ổn định hơn cà phê hoặc điều”, bà Thu chia sẻ.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Quảng Trực ngày càng cải thiện, nâng cao

Cơ sở sản xuất mắc ca M’nông ở bon Đắk Huýt là một trong số những cơ sở chế biến mắc ca thành phẩm lớn của xã Quảng Trực. Bà Nguyễn Thủy Linh, chủ cơ sở chia sẻ, sản phẩm mắc ca khô được đưa đi tiêu thụ tại các thị trường phía Nam và một số tỉnh thành phía Bắc.

Thời gian cao điểm, cơ sở chế biến tạo việc làm cho gần 30 lao động tại chỗ, ngày thường luôn có khoảng 5-6 lao động làm việc. Với mức lương dao động khoảng 200.000 - 250.000 đồng/ngày, đây được đánh giá là mức thu nhập cao, góp phần giải quyết việc làm cho lao động phổ thông.

“Từ xuất bán thô, sản phẩm mắc ca của Quảng Trực đã được chế biến, đóng gói thành mặt hàng có giá trị trên thị trường. Cũng nhờ mắc ca, đời sống của người dân đã có những chuyển biến rõ rệt. Trong tương lai, nếu đầu tư, mở rộng sản xuất, chế biến thì mắc ca sẽ trở thành cây trồng đưa đời sống người dân ngày càng khá giả”, bà Linh đánh giá.

Chủ tịch UBND xã Quảng Trực Nguyễn Hải Lý phấn khởi nói, dù điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn nhưng nhờ phát huy tốt sức mạnh tổng hợp, tập trung đầu tư sản xuất theo hướng đa dạng hóa cây trồng nên đời sống người dân ngày càng nâng cao, góp phần giúp xã thêm khởi sắc. Đặc biệt, sự chuyển biến trong kinh tế - xã hội của địa phương, một phần nhờ sản xuất mắc ca.

“Cây mắc ca đã giúp thay đổi tập quán sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, từ quảng canh chuyển sang thâm canh. Hiện tại, toàn xã Quảng Trực có gần 600 ha mắc ca (đứng sau diện tích cà phê) và cây trồng này đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo cho bà con”, ông Nguyễn Hải Lý nói.

Thanh Hằng