Ðộc đáo khảo cổ học hang động núi lửa ở Ðắk Nông
Đời sống - Ngày đăng : 08:52, 22/11/2022
Trong số gần 50 hang động núi lửa được phát hiện tại CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông, có 20 hang động được đo, vẽ, nghiên cứu chi tiết về nguồn gốc, cơ chế tạo thành. Các hang động phát hiện đều có nguồn gốc nguyên sinh, được tạo thành gắn liền với hoạt động phun trào của núi lửa Chư Blúk thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô).
Có 10 hang được các nhà khảo cổ ghi nhận có dấu tích hoạt động của người tiền sử, gồm: hang C1, C2, C3, C4, C4-1, C6, tại xã Đắk Sôr (Krông Nô); hang P1, P2 xã Buôn Choáh (Krông Nô). Đây là các hang động núi lửa âm, nằm sâu dưới lòng đất còn được gọi là ống dung nham, có nguồn gốc và cơ chế tạo thành gắn liền với hoạt động núi lửa trong vùng. Hai bên vách hang thường để lại các tảng dung nham, trên đó có những rãnh xước thẳng đứng, thể hiện cho hướng chảy dung nham; có chỗ vết xước hình vặn thừng thể hiện dòng dung nham chảy rồi, chảy xoắn trong cơ chế hình thành hang.
Di cốt người tiền sử trong hang C6.1 ở tư thế ngồi bó gối |
Đặc biệt, hang C6.1, lần đâu tiên trong khu vực Đông Nam Á phát hiện di chỉ khảo cổ người tiền sử trong hang động núi lửa. Di chỉ khảo cổ này thuộc loại hình di tích cư trú, công xưởng và mộ táng có giá trị khoa học độc đáo và hiếm có trên thế giới.
Qua khai quật tại hang C6-1 và C6 các nhà khảo cổ phát hiện nhiều di chỉ, hiện vật đồ đá, với các công cụ lao động, đồ gốm, xương và vỏ nhuyễn thể, vết tích của bếp lửa, 3 di tích mộ táng, dấu vết của 10 cá thể; trong đó 5 cá thể trẻ sơ sinh, 1 cá thể thiếu niên, 4 cá thể người trưởng thành. Quan trọng nhất, các nhà khảo cổ phát hiện một bộ xương và hộp sọ của bé gái khoảng 4 tuổi, được chôn theo tư thế ngồi bó gối. Theo các nhà khoa học, các di tồn văn hóa còn bảo lưu trong hang động núi lửa C6, C6.1 cho thấy đây là nơi cư trú, mộ táng và chế tác công cụ của người tiền sử, có niên đại từ 7.000 đến 4.000 năm.
GS. Nguyễn Lân Cường, Viện Khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu hộp sọ tìm thấy tại hang C6.1 (Ảnh: GS. Nguyễn Lân Cường cung cấp) |
Giá trị di sản nổi bật của hang động núi lửa Krông Nô là ở chỗ, lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam biết đến một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử trên vùng đất đỏ. Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam, lần đầu tiên ở Tây Nguyên, giới khảo cổ học có được trong tay những tư liệu mộ táng thời nguyên thủy có nhiều di cốt con người còn nguyên vẹn, có khối lượng lớn di cốt động vật… cùng các kết quả phân tích bào tử phấn hoa, cổ từ cảm. Các di sản khảo cổ hang động núi lửa Krông Nô - nơi còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử - là di sản độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Sự hiện diện các di tích khảo cổ hang động núi lửa Krông Nô là một biên niên sử nguyên vẹn, nổi bật về sự biến đổi môi trường và sự thích ứng của con người trong quá khứ. Đây là một ví dụ nổi bật về truyền thống cư trú của con người, truyền thống sử dụng hang, sử dụng tài nguyên thiên nhiên”.
Còn Giáo sư Nguyễn Lân Cường, Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng cho rằng: “Việc phát hiện ra di cốt người cổ trong các hang động núi lửa của khu vực hang động núi lửa Krông Nô là 1 bước ngoặt của cổ nhân học Việt Nam. Trên thế giới, theo ý kiến của một số học giả nước ngoài có dạng hang động này, nhưng chưa hề phát hiện được di cốt người cổ. Phát hiện bộ xương ở mộ 1 mở ra cho chúng ta một chương mới để đi tìm chủ nhân thực sự của vùng đất mà từ trước đến nay vẫn là một khoảng trống đối với các nhà nghiên cứu. Việc lần đầu tiên phát hiện ra di cốt người tiền sử trong các hang núi lửa là phát hiện mang tính bước ngoặt của ngành Cổ nhân học Việt Nam”.