Hội Cựu chiến binh Cư Jút đoàn kết, giúp nhau vươn lên
Đời sống - Ngày đăng : 08:48, 28/12/2022
Với phương châm: “Đoàn kết, phát huy nội lực, phát huy tiềm năng đa dạng của CCB, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, các cấp hội đã bám sát nghị quyết, chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo làm giàu hợp pháp. Cụ thể, Huyện hội đã phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho 1.024 gia đình hội viên được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Hội viên giúp nhau ngày công, cây, con giống, khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất. Hội đã xây dựng "Quỹ đồng đội”, với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng để cho hội viên nghèo vay; vận động CCB có điều kiện về kinh tế giúp các hộ khó khăn vay vốn không tính lãi hàng trăm triệu đồng... Huyện hội cũng đã thành lập câu lạc bộ “Doanh nhân CCB làm kinh tế” thu hút 30 hội viên tham gia. Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, toàn huyện đã có 13 hộ gia đình CCB nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở để an cư lạc nghiệp.
Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, đổi mới”, đến nay, Hội CCB huyện Cư Jút đã có 2 hội viên CCB là giám đốc hợp tác xã (HTX), 1 hội viên thành lập Công ty TNHH một thành viên, 9 hội viên lập trang trại và 4 hội viên làm chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
CCB Trần Văn Định (bên trái) là người đã chế biến các sản phẩm thành công từ gấc và đưa ra thị trường các nước |
Tiêu biểu, CCB Trần Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà, thị trấn Ea T’ling đã mạnh dạn, năng động, dám đưa những giống cây, con mới vào sản xuất, nuôi trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông Định hiện đã có 10ha đất trồng cà phê, điều với doanh thu cao. Là người đứng đầu của HTX, ông Định đã định hướng, hướng dẫn cho các thành viên và liên kết với các hộ dân trong vùng để đưa cây gấc vào sản xuất và mở rộng diện tích trồng trọt. Đến nay, HTX đã liên kết trồng được 200ha gấc; đồng thời đầu tư nhà xưởng để chế biến các sản phẩm từ gấc như tinh dầu, bún, bánh tráng, hủ tiếu. “Thay đổi tư duy là điều cần ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Bởi một số bà con mình luôn suy nghĩ, làm nông không cần chữ nghĩa, chăm chỉ là được. Nhưng thực tế không phải vậy, làm nông nghiệp rất cần tư duy, mạnh dạn, biết ứng dụng những cái mới, tiến bộ vào thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo ra sự khác biệt”, ông Định cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức hội cơ sở đã huy động nội lực để triển khai các mô hình giúp hội viên nghèo vươn lên trong phát triển kinh tế phù hợp. Điển hình như Hội CCB xã Cư K’nia mỗi năm tặng 30 sổ tiết kiệm, với tổng số tiền là 36 triệu đồng cho hội viên nghèo, khó khăn, ốm đau, hoạn nạn. Hội CCB xã Đắk Drông vận động hội viên đóng góp được 43,9 triệu đồng mua 6 con bò, tặng 5 hộ CCB nghèo nuôi. Nhờ đó, đến nay đã có 3 hộ thoát nghèo, 1 hộ từ hộ nghèo lên hộ cận nghèo. Hội CCB thị trấn Ea T’ling đã vận động quyên góp được 20 triệu đồng cho hội viên nghèo vay không tính lãi.
Với những cách làm thiết thực đó, nhiệm kỳ 2017 – 2022, toàn huyện đã có 86 hộ hội viên CCB thoát nghèo, cận nghèo giảm 93 hộ. Đến nay, Hội chỉ còn 34 hộ nghèo chiếm 1,1% và 45 hộ cận nghèo, chiếm 1,4% theo tiêu chí cũ. Số hộ CCB khá, giàu tăng lên, đời sống CCB dần được cải thiện. Toàn huyện có 936 hội viên thu nhập từ 100- 300 triệu đồng; từ 50 dưới 100 triệu đồng có 1.309 hộ; dưới 50 triệu đồng là 912 hộ.